Nga-NATO vẫn đồng sàng dị mộng

aNgày 5-7, đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin nhận xét trên mạng Twitter rằng phiên họp hội đồng Nga-NATO ở Sochi (Nga) bên bờ biển Đen kết thúc hôm trước đó đã không thể giải quyết các dị biệt chính trị giữa các bên.

Không triển khai bộ binh ở Libya

Phiên họp với 29 đại sứ NATO và Nga tham dự tập trung vào hai điểm chính: Xây dựng đối tác chiến lược giữa Nga và NATO; hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu và vấn đề Libya.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO ở Bồ Đào Nha hồi tháng 11-2010, hai bên đã nhất trí thiết lập một hệ thống lá chắn chống tên lửa ở châu Âu. Tuy nhiên, NATO đòi hai bên lập hai hệ thống riêng và phối hợp với nhau trong khi Nga muốn chỉ một hệ thống chung. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Chicago.

Về vấn đề Libya, Nga tuyên bố tiếp tục thực hiện giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Libya, đồng thời chỉ trích NATO có thái độ lạm dụng trong khi giải thích nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nga-NATO vẫn đồng sàng dị mộng ảnh 1

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (phải) tại phiên họp hội đồng Nga-NATO ngày 4-7. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vẫn khẳng định nhà lãnh đạo Gaddafi đang tấn công dân thường nên NATO sẽ tiếp tục chiến dịch ở Libya. Ông nhấn mạnh NATO không có ý định triển khai bộ binh ở Libya.

Bên lề phiên họp hội đồng Nga-NATO, nguyên thủ quốc gia Nga và Nam Phi đã gặp nhau để khẳng định quyết tâm chung tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Libya.

Cùng diễn tập chống khủng bố

Sau hội nghị Nga-NATO, trong chuyến thăm Saint Petersburg (Nga) ngày 5-7, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tuyên bố các điểm chủ yếu như sau:

- Nga và NATO có thể cùng thiết lập một trung tâm thăm dò các nguy cơ liên quan đến tên lửa đạn đạo (đề xuất này được Nga đưa ra). Ông nói đến nay có hơn 30 nước có công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo và cả Nga cũng như NATO đều phải đối phó với nguy cơ tên lửa.

- Năm tới, NATO và Nga sẽ tổ chức diễn tập chung để bảo đảm an ninh ở ga tàu và sân bay. Mục đích nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố, tránh lập lại vụ tấn công như ở Sân bay Domodedovo (Nga). Địa điểm diễn tập sẽ ở Paris (Pháp) và Saint Petersburg. Hai bên sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống mũi điện tử Standex (do Nga và NATO hợp tác nghiên cứu). Thiết bị này có thể dò tìm chất nổ dưới 250 g TNT trên người một phần tử đánh bom tự sát trà trộn trong đám đông.

- NATO không có bất kỳ kế hoạch nào có mặt ở Bắc cực. Các nước thành viên NATO có lợi ích riêng tại Bắc cực cần sử dụng Bắc cực vì mục đích hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hôm 30-6, Thủ tướng Nga Putin đã thông báo Nga dự kiến mở rộng sự hiện diện tại vùng đất băng giá cực Bắc này.

Hãng tin AFP ngày 5-7 dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho biết lần đầu tiên Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen mời Hội đồng Dân tộc quá độ (phe nổi dậy Libya) thảo luận vào ngày 13-7. Các đại sứ của 28 nước thành viên NATO đã nhất trí với quyết định này. NATO chưa chính thức khẳng định thông tin này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet thông báo với báo giới, quân đội Pháp đã chấm dứt thả dù vũ khí cho phe nổi dậy Libya. Được hỏi về chiến dịch phản công lớn của phe nổi dậy Libya trong những ngày tới, ông khẳng định phe nổi dậy Libya đang tích cực củng cố về chính trị cũng như quân sự.

HOÀNG DUY (Theo RIA Novosti, AFP, Reuters, THX)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm