Tờ The Financial Times mới đây đưa tin Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg đang thúc đẩy đối thoại giữa các nước thành viên nhóm tình báo Ngũ Nhãn (Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) về khả năng đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế.
Cụ thể, ông Frydenberg kỳ vọng sẽ thiết lập được một chuỗi cung ứng nội nhóm từ khâu sản xuất, vận chuyển đến phân phối để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc (TQ). Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh sắp phải đối mặt với đối trọng đủ sức thách thức ảnh hưởng của nước này một khi Ngũ Nhãn chuyển mình thành một liên minh chống TQ toàn diện.
Căng thẳng chạm điểm bùng phát?
Tờ South China Morning Post cho hay sự kiện chính quyền Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ vào tháng 10-2018 là một trong những hành động thách thức TQ chung đầu tiên giữa các thành viên Ngũ Nhãn. Dù quan hệ TQ, Mỹ lúc này đặc biệt căng thẳng do chiến tranh thương mại bùng phát, các nước phương Tây khác về cơ bản không có mâu thuẫn với Bắc Kinh. Do vậy, quyết định của Ottawa khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh bất ngờ, cho rằng đây là đòn mở màn cho chiến lược kìm hãm đà phát triển công nghệ của TQ. Nước này sau đó cũng bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia để trả đũa.
Đến năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng nổ, quan hệ TQ và phương Tây tiếp tục leo thang theo chiều hướng đáng lo ngại hơn khi hai bên tranh cãi kịch liệt về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hàng loạt thành viên Ngũ Nhãn như Mỹ và Anh liên tục chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch, cố tình che giấu thông tin dịch. Trong một diễn biến đáng chú ý, Úc lên tiếng kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và lập tức bị Bắc Kinh áp thuế hơn 80% lên lúa mạch xuất khẩu cảnh cáo.
Gần đây nhất, Ngũ Nhãn và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu về vấn đề ban hành luật an ninh Hong Kong. Cho rằng đây là động thái vi phạm nghiêm trọng quyền tự quyết của Hong Kong, các nước Ngũ Nhãn lần lượt ra tuyên bố chung phản đối và tỏ ý sẵn sàng tiếp nhận người dân muốn di cư khỏi TP này.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại tòa nhà Quốc hội Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức nước này hồi tháng 11-2017. Ảnh: REUTERS
Khởi đầu thuận lợi của Ngũ Nhãn
“Chúng ta rõ ràng đang thấy tính đồng thuận và mức độ liên kết ngày càng cao giữa các thành viên trong liên minh Ngũ Nhãn trong các chính sách liên quan đến TQ. Việc những nước này ra tuyên bố chung về Hong Kong và khởi động đàm phán thiết lập chuỗi cung ứng nội bộ rất nhanh chóng vừa qua là một ví dụ” - Giám đốc công ty tư vấn rủi ro Tenjin Consulting (Úc) Georgina Downer nhận định.
Chuyên gia này cũng đánh giá cao việc Ngũ Nhãn đồng ý lập thêm liên minh D10, gồm các nước nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) cùng ba quốc gia châu Á là Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu công nghệ viễn thông 5G. “Chính cách hành xử hung hăng của TQ đã khiến nhiều thành viên Ngũ Nhãn như Anh hay Canada, vốn từng rất chào đón các nhà thầu TQ, trở nên cảnh giác trước kịch bản Bắc Kinh có thể chiếm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quốc gia thiết yếu” - bà Downer chia sẻ.
Bắc Kinh hết lần này đến lần khác thể hiện rõ tham vọng không chỉ dừng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn ra sức làm những gì có thể để khiến phương Tây phải suy yếu trên toàn cầu. HARRY J. KAZIANIS, Tổng biên tập tạp chí The National Interest |
Đồng quan điểm, GS quan hệ quốc tế John Blaxland thuộc ĐH Quốc gia Úc cho rằng chiến lược ngoại giao “Chiến lang” của Bắc Kinh đã phản tác dụng, thay vì bảo vệ được hình ảnh và lợi ích quốc gia của TQ thì lại tạo động lực cho các nước khác liên thủ với nhau.
“Các lãnh đạo Ngũ Nhãn nhiều khả năng cho rằng nếu họ hành động đơn lẻ thì sẽ bị TQ khuất phục và thao túng dễ dàng. Do đó, để tạo được sức ép lên Bắc Kinh, chỉ có một giải pháp duy nhất là đoàn kết lại” - ông Blaxland nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Shi Yinhong - chuyên gia nghiên cứu về Mỹ thuộc ĐH Renmin (TQ) còn nhận định sức ép từ phía Ngũ Nhãn trên lĩnh vực kinh tế sẽ đặc biệt có tác dụng với Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay khi nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch. South China Morning Post cho biết GDP của TQ ba tháng đầu năm 2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kinh tế TQ cũng chính thức rơi xuống mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1992. Cũng nhờ bối cảnh thuận lợi này, Ngũ Nhãn trong tương lai hứa hẹn sẽ là một liên minh vững chắc ngay cả trong trường hợp Mỹ và bốn thành viên còn lại có mâu thuẫn nội bộ.
“TQ có thể tuyên bố rằng đã quen với những áp lực và thách thức như vậy nhưng số liệu thực tế cho thấy Bắc Kinh đang thật sự rơi vào thế khó. Bên cạnh đó, việc chỉ quen đối phó với một loại áp lực sẽ khiến TQ mất linh hoạt, khó thay đổi chính sách một khi tình thế thay đổi” - ông Shi nói.
Ông Pompeo chuẩn bị gặp gỡ quan chức Trung Quốc Hãng tin Politico ngày 13-6 dẫn hai nguồn tin nội bộ cho hay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang chuẩn bị lên đường tới bang Hawaii để gặp một số quan chức TQ. Đại diện phái đoàn TQ dự kiến là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán TQ tại Mỹ chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào. Nếu sự kiện trên diễn ra, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên có sự tham dự của các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi căng thẳng Mỹ, Trung leo thang những tháng gần đây. Cuộc gặp cấp cao gần đây nhất giữa hai nước được tổ chức ở thủ đô Washington DC hôm 15-1 để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. |