Theo hãng tin Reuters ngày 4-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang đẩy mạnh quá trình rút các chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc (TQ) liên quan đến cách Bắc Kinh xử lý đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi đang nỗ lực giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng TQ trong nhiều năm qua. Hiện Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh việc này. Tôi nghĩ quan trọng là phải nắm được các lĩnh vực chủ chốt và những nút thắt mấu chốt nằm ở đâu” - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach nêu rõ.
Ngày trước đó, ông Trump cũng đe dọa sẽ hủy thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1 năm nay với TQ chừng nào Bắc Kinh vẫn thực thi cam kết mua thêm 200 tỉ usd hàng hóa của Mỹ. Mỹ trước đó cũng cho biết sẽ cân nhắc áp các khoản thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc.
Mỹ nhiều khả năng sẽ vũ khí hóa các chính sách kinh tế để tấn công Trung Quốc hậu COVID-19. Ảnh minh họa: REUTERS
Mỹ lên kế hoạch trừng phạt Trung Quốc
Theo tờ Washington Post, thời gian gần đây nội bộ chính quyền Tổng thống Trump đang bàn bạc các biện pháp trả đũa TQ liên quan đến tình hình dịch COVID-19. Cụ thể, các quan chức cấp cao của Mỹ từ nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có các cơ quan tình báo đã gặp mặt và thảo luận về các khả năng như yêu cầu TQ bồi thường tài chính.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng được cho là đã nói chuyện riêng với trợ lý về khả năng tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của TQ. Nếu được thông qua, điều này sẽ mở đường cho chính phủ Mỹ và mọi tổ chức, cá nhân ở Mỹ có thể khởi kiện Bắc Kinh để đòi bồi thường thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Washington Post cho biết hiện nhóm quan chức thuộc khối an ninh quốc gia mong muốn trừng phạt TQ đang chiếm được lòng tin của tổng thống hơn so với những người đồng cấp thuộc khối kinh tế.
“Ông Trump giờ chắc chỉ nghĩ đến việc sẽ trừng phạt TQ thế nào” - Washington Post dẫn nhận định của một quan chức cấp cao Mỹ.
Thậm chí, nhiều cố vấn còn khuyến khích ông chủ Nhà Trắng mạnh tay hơn với TQ để tăng thêm lợi thế chính trị trước thềm bầu cử tháng 11. Một khảo sát của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cho thấy khoảng 51% số cử tri ở 17 bang Mỹ cho rằng TQ là bên chịu trách nhiệm cho đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần này.
Dù vậy, một số chuyên gia pháp lý cũng cảnh báo những biện pháp như vậy có thể sẽ đặt ra nhiều thách thức và có thể cần tới sự ủng hộ của Quốc hội. Bên cạnh đó, các quan chức Washington cũng đã thảo luận về việc hủy bỏ nghĩa vụ trả nợ của Mỹ đối với TQ nhưng chưa rõ Tổng thống Trump có ủng hộ đề xuất này hay không.
Kết quả về lâu dài của đại dịch COVID-19 là nó cho chúng ta thấy cần phải xem xét quan hệ giữa Mỹ và TQ trong các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia. TQ là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất đối với nước Mỹ trong thế kỷ tới. Thượng nghị sĩ Mỹ TED CRUZ |
Trung Quốc phản ứng thế nào?
Trước các đợt công kích liên tục từ phía Mỹ, TQ đã có nhiều đáp trả gay gắt. Đại ý chung các phát ngôn này là Bắc Kinh đã hành xử một cách minh bạch và có trách nhiệm trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 và đã cố gắng chia sẻ thông tin với thế giới vào thời điểm sớm nhất có thể.
TQ cũng chỉ trích nhiều quan chức Washington vô trách nhiệm khi để dịch bùng phát ở Mỹ và đổ ngược lỗi cho nước này. Bắc Kinh đồng thời nhấn mạnh chỉ có đoàn kết và hợp tác mới có thể giành được chiến thắng trước đại dịch COVID-19.
Đối với các nước và tổ chức khác trên thế giới, mâu thuẫn giữa Mỹ và TQ đang gây ra nhiều lo ngại làm ảnh hưởng tới nỗ lực y tế chung. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo cộng đồng quốc tế nếu bị chia rẽ sẽ làm suy giảm khả năng hỗ trợ các nước khó khăn chống dịch COVID-19, theo tờ The Japan Times.
“Mỹ và TQ là hai cường quốc quan trọng của thế giới. Sự đóng góp của hai nước này trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề quốc tế khác là hoàn toàn cần thiết. Tôi hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai” - ông Guterres phát biểu ngày 1-5.
Mỹ và đồng minh mâu thuẫn về nguồn gốc COVID-19 Đài CNN ngày 5-5 dẫn nguồn hai quan chức giấu tên tiết lộ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (năm nước: Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc) cùng nhận định rằng rất khó có khả năng virus gây dịch COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán (TQ) mà đã bắt nguồn từ chợ bán đồ tươi sống ở đây. Nhóm này cũng không công nhận giả thuyết virus là sản phẩm nhân tạo. Về tập hồ sơ 15 trang của Ngũ Nhãn mà tờ The Daily Telegraph của Úc công bố hôm 2-5 nói virus gây dịch COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, các nguồn tin tình báo đính chính lại rằng tài liệu không phải là do chính Ngũ Nhãn tổng hợp mà được góp nhặt từ các nguồn khác, có thể là của Mỹ, theo tờ The Guardian. Hiện Mỹ chưa đưa ra phản hồi chính thức nào. Một ngày trước đó, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Ngoại trưởng Mike Pompeo đều tuyên bố có bằng chứng cho thấy COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không cho biết thêm chi tiết. |