Mỹ mong muốn xây dựng liên minh sản xuất mới để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, hãng tin Reuters cho hay.
Ông Keith Krach - Thứ trưởng chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong vài năm qua nhưng hiện tại, chúng tôi đang đẩy nhanh sáng kiến này".
Ông Keith Krach - Thứ trưởng chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: GLOBAL MENTOR NETWORK
Theo Reuters, từ năm 2010, Trung Quốc đã là nước có quy mô sản xuất lớn nhất thế giới và đến năm 2018, nước này chiếm 28% tổng sản xuất toàn cầu.
COVID-19 càng làm nổi bật vai trò của nền sản xuất ở Trung Quốc. Hầu hết các loại thuốc dùng ở Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc. Bắc Kinh cũng chiếm ưu thế ở các sản phẩm như máy quét thân nhiệt và đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung thực phẩm toàn cầu.
"Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" vì sự phát triển kinh tế toàn cầu
Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy thiết lập một liên minh với các "đối tác đáng tin cậy" mang tên "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế".
Mạng lưới này bao gồm các công ty và tổ chức xã hội dân sự cùng hoạt động trên nguyên tắc chung trên các lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng và hạ tầng để thực hiện hoạt động nghiên cứu, giáo dục và giao thương.
Ngày 29-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang trao đổi với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "đưa kinh tế toàn cầu tiến lên". Washington cũng đang xem xét lôi kéo cả khu vực Mỹ Latin tham gia liên minh này.
Theo ông Pompeo, các nội dung đang được thảo luận bao gồm "cách chúng ta tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ngăn những điều tương tự (như việc gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19) tái diễn".
Khuyến khích các công ty Mỹ dời nhà máy về nước
Các nguồn tin của Reuters cũng cho biết chính quyền, Bộ Thương mại và các tổ chức ở Mỹ đang tìm cách thúc đẩy các công ty Mỹ kéo dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Washington đang áp dụng nhiều biện pháp Mỹ đang dùng để thúc đẩy các hãng sản xuất quay trở lại Mỹ (thay vì dời nhà máy ra nước ngoài như trước kia) như các hình thức ưu đãi về thuế và trợ cấp cho doanh nghiệp sử dụng nguồn lực trong nước.
Các tổ chức, cơ quan ở Mỹ cũng đang xem xét để xác định đâu là ngành kinh tế "thiết yếu" cần ưu tiên di dời sản xuất khỏi Trung Quốc và cách thức cụ thể để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng cần phải hiểu đâu là các khu vực kinh tế quan trọng và đâu là nơi có các nút thắt quan trọng" - Thứ trưởng Krach nói.
Ông Krach cũng cho biết Mỹ coi việc dừng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc là một vấn đề an ninh trọng tâm và chính phủ Mỹ sẽ nhanh chóng có các biện pháp tiếp theo.
Các container hàng hóa Trung Quốc ở cảng Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP
Một quan chức khác nói với Reuters rằng đại dịch COVID-19 là thời điểm hoàn hảo để Mỹ thúc đẩy kế hoạch này vì đại dịch "đang làm rõ tất cả những lo ngại của những người hiện làm ăn với Trung Quốc".
Người này cho rằng thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19 đã lấn át những lợi ích có thể đạt được từ việc làm ăn ở Trung Quốc.
Các động thái của chính quyền Tổng thống Trump
Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo Washington có thể gia tăng mức thuế lên tới 25%, áp vào khoảng 370 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Hôm 3-5, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký hồi tháng 1 với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện đúng cam kết là nhập thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Washington cũng cho biết đang điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 và có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho những thiệt hại từ đại dịch này.
Ngoài ra, ông Trump hôm 1-5 đã ký một sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan chính phủ chỉ được mua các linh kiện điện do Mỹ sản xuất để phục vụ cho lưới điện quốc gia, theo báo South China Morning Post.
Ngày 4-5, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết ông Trump sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan liên bang chỉ được mua các sản phẩm y tế do Mỹ sản xuất.
Còn ở trong nước, Tổng thống Trump sốt ruột chuẩn bị cho việc dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, bất chấp những cảnh báo của giới y khoa trong nước và quốc tế về làn sóng nhiễm COVID-19 mới khi Mỹ dỡ bỏ phong tỏa quá sớm.
Hiện nay, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.
Theo chuyên trang thống kê Worldometer, tính đến 4 giờ chiều 5-5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã phát hiện 1.211.955 ca nhiễm và 69.925 trường hợp tử vong. Mỹ chiếm gần 33,15% số ca nhiễm COVID-19 và gần 27,7% số ca tử vong trên toàn cầu.