Chuyện nguồn gốc đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục nóng lên. Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa quyết có điều tra lại hay không dù nhiều thành viên trong đội điều tra lần đầu đã nêu sự cần thiết này ra. Trong lúc này Thượng viện Mỹ ra nghị quyết trong đó nói rằng nếu các tổ chức này không điều tra thì Mỹ sẽ làm thay.
Thượng viện Mỹ ra nghị quyết đề nghị WHO điều tra
Ngày 28-5, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19, trang The Hill đưa tin.
Nghị quyết do hai thượng nghị sĩ Roger Marshall và Kirsten Gillibrand soạn thảo và được thông qua với sự đồng lòng đa số. Nghị quyết kêu gọi Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thực hiện cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Theo nghị quyết, nếu WHA không đồng ý điều tra thì Mỹ và “các chính phủ đối tác và chuyên gia” sẽ làm thay.
“Thật phẫn nộ khi một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc COVID-19 vẫn chưa được thực hiện. Với cuộc họp của WHA trong tuần này, chúng ta phải có một điều tra đầy đủ về sự bùng phát dịch bệnh. Nếu Trung Quốc tiếp tục che đậy, chúng ta phải lên kế hoạch điều tra toàn diện, cùng với các đối tác khắp thế giới” – The Hill dẫn tuyên bố của thượng nghị sĩ Marshall.
Thượng nghị sĩ Roger Marshall. Ảnh: AXIOS
Phần mình, thượng nghị sĩ Gillibrand cũng khẳng định cần phải có một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về nguồn gốc COVID-19, và việc cản trở hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Nghị quyết của chúng tôi làm rõ rằng Mỹ tin cuộc điều tra trước của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thiếu sót, và trách nhiệm ở đây là tất cả nguồn gốc tiềm tàng của loại virus này, bao gồm khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm, phải được điều tra toàn diện” – theo thượng nghị sĩ Gillibrand.
Hai ngày trước khi thông qua nghị quyết này Thượng viện đã thông qua một điều luật yêu cầu Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) giải mật thông tin về nguồn gốc COVID-19. Điều luật cũng yêu cầu ODNI phải giải mật mọi hành động diễn ra tại Viện Virus học Vũ Hán – cơ sở trung tâm của đồn đoán làm rò rỉ virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Quyết định của Thượng viện Mỹ cùng thời điểm với việc nhiều chuyên gia y tế công cộng vốn trước đây không tin vào giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thì nay khẳng định cần phải điều tra thêm.
209 hạ nghị sĩ Cộng hòa cùng vào cuộc
Trong khi đó, các hạ nghị sĩ Cộng hòa đang kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra cấp Hạ viện về nguồn gốc COVID-19.
Một lá thư từ 209 hạ nghị sĩ Cộng hòa, do các nghị sĩ Cộng hòa cấp cao khởi xướng, có nội dung yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho phép Hạ viện điều tra.
Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện – hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, một trong những người khởi xướng bức thư. Ảnh: AP NEWS
Trong thư, các hạ nghị sĩ Cộng hòa đề nghị bà Pelosi chỉ đạo các chủ tịch các ủy ban phù hợp bên đảng Dân chủ ngay lập tức tham gia lời kêu gọi của phía đảng Cộng hòa buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì gây ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Bức thư nhấn mạnh ngày càng xuất hiện thêm chứng cứ cho thấy đại dịch bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Và nếu trường hợp này xảy ra, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho cái chết của gần 600.000 người Mỹ và của hàng triệu người trên toàn cầu.
Báo cáo điều tra đầu tiên của WHO công bố hồi tháng 3 bác bỏ rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ không có khả năng”. Tuy nhiên báo cáo cũng không khẳng định được virus có nguồn gốc tự nhiên, chỉ nói “có khả năng cao” là dịch xảy ra do người nhiễm virus từ dơi.
Điều này cũng được các hạ nghị sĩ Cộng hòa đưa vào bức thư gửi bà Pelosi, rằng “rõ ràng WHO đã không đưa ra được những lời cuối cùng về nguồn gốc đại dịch COVID-19 và trách nhiệm pháp lý của Trung Quốc”.
Giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm ngày càng nóng
Các diễn biến này đến trong bối cảnh vấn đề điều tra nguồn gốc COVID-19 nóng lên những ngày qua, với một giả thuyết được chú ý là virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Chuyện nguồn gốc COVID-19 nóng lại tuần này sau khi báo Wall Street Journal tiết lộ một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ trong đó có thông tin tình báo rằng có 3 chuyên gia làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh và nhập viện với triệu chứng giống nhiễm COVID-19 vào tháng 11-2019, một tháng trước khi Trung Quốc chính thức thông báo các ca nhiễm đầu tiên.
Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là tâm dịch thời điểm ngày 28-1-2020. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng cho rằng thậm chí nếu virus đúng là có liên quan đến phòng thí nghiệm thì cũng không có nghĩa virus được tạo ra ở đó, và vẫn có khả năng các nhà nghiên cứu bị nhiễm virus trước rồi đến phòng thí nghiệm.
Theo lời Trợ lý Giám đốc Tình báo Quốc gia về Thông tin chiến lược – bà Amanda Schoch, cộng đồng tình báo cho biết nghĩ tới cùng lúc “hai viễn cảnh có khả năng xảy ra”: virus xuất hiện tự nhiên từ việc con người lây từ động vật bị nhiễm, hoặc thông qua tai nạn rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Ngày 26-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng ông đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ “tăng gấp đôi nỗ lực” điều tra nguồn gốc dịch và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày.