Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll cho biết cơ quan này vừa triệu tập Đại sứ Nga tại Pháp Alexey Meshkov để phản đối việc chính quyền Nga tuần trước từ chối cho tám quan chức Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh vào nước này, trong đó có Nghị sĩ Pháp Jacques Maire, theo hãng tin TASS. Ông Maire được cho là đang chuẩn bị báo cáo với Hội đồng châu Âu (EC) về cáo buộc Moscow đầu độc và bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris
về xung đột đông Ukraine hồi tháng 12-2019. Ảnh: AFP
Động thái của Pháp là diễn biến mới nhất trong chuỗi trả đũa qua lại giữa Nga và phương Tây gần đây. Một ngày trước đó, Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov đã bị triệu tập về vấn đề cấm nhập cảnh nói trên.
Về phía Nga, chính quyền nước này giữ nguyên quan điểm là chỉ đáp trả việc EU hồi tháng 3 áp dụng các biện pháp hạn chế đối với sáu công dân Nga, trong đó có một số quan chức có liên quan tới vấn đề của ông Navalny.
Nhiều lo ngại về đối đầu Nga - EU
Theo hãng tin DW, có thể thấy quan hệ giữa Nga và EU hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Về bản chất, đối đầu Nga - EU vẫn liên quan tới cuộc cạnh tranh địa chính trị và tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi hàng chục năm nay. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là EU chủ động trong các động thái ngăn chặn ảnh hưởng của Nga.
Rõ ràng, khối này đã không còn nuôi hy vọng rằng việc tích cực xích lại với Nga có thể kéo Moscow về phe “dân chủ tự do” của phương Tây nữa mà chỉ có thể tự bảo vệ lợi ích bản thân một cách nhiều nhất có thể. Việc đưa ra động thái cứng rắn về ngoại giao và kinh tế gần đây (như các lệnh hạn chế nói trên cùng các đòn cấm vận đưa ra hồi tháng 4 nhân vụ Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine) đã hạn chế sức mạnh kinh tế của Nga, kéo bớt các nguồn tài chính mà nước này đầu tư cho các hoạt động quân sự, gây áp lực đối với giới lãnh đạo và làm giảm khả năng Nga thể hiện ảnh hưởng ở nước ngoài.
“Qua những gì diễn ra ở đông Ukraine vừa qua, bên cạnh các phát ngôn quyết đoán của giới lãnh đạo Moscow, EU gần đây đã nhìn thấy được những gì Nga sẵn sàng làm để thúc đẩy lợi ích chính trị. Theo nhận định của tôi, việc lần này Nga lựa chọn những động thái có tính khiêu khích như vậy đã có phần đi quá tay vì nghĩ rằng EU cũng như mọi lần sẽ “dĩ hòa vi quý” mà không có hành động cứng rắn hơn. Kết quả là Moscow phạm sai lầm và lại tiếp tục làm xấu đi quan hệ hai bên” - chuyên gia Steven Pifer thuộc ĐH Stanford (Mỹ) nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, điểm lại vụ việc liên quan tới nhân vật đối lập Nga Navalny, việc làm căng vấn đề này cho thấy EU ngày càng coi trọng nhiều hơn khía cạnh dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền kiểu phương Tây và sẵn sàng đối đầu bất kỳ bên nào không tuân thủ hoặc không đồng quan điểm với họ. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc khi EU liên tục đặt nặng vấn đề quyền con người với Bắc Kinh sau cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo hãng tin Reuters, lãnh đạo EU và Nga dự kiến sẽ có cuộc họp trực tiếp vào ngày 25-5 tới tại thủ đô Brussels của Bỉ để thảo luận các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đối phó đại dịch COVID-19 và tương lai quan hệ Nga - EU. Giới chuyên gia kỳ vọng hai bên sẽ tận dụng tốt cơ hội này để hóa giải căng thẳng. |
Điều gì chờ đợi hai bên ở phía trước?
Theo trang tin EU Observer, hiện không có dấu hiệu gì cho thấy giới lãnh đạo Nga và EU có ý định sẽ kiềm chế các động thái trả đũa của mình trong thời gian tới. Điều này về lâu dài sẽ là ảnh hưởng rất tiêu cực lên quan hệ hai bên và nếu không thể cứu vãn, có thể dẫn tới kịch bản xung đột quân sự. Nhiều chuyên gia quân sự và nhà phân tích cho rằng Nga đang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản “chiến tranh cục bộ cường độ thấp trong các khu vực chiến lược ở châu Âu” và đợt triển khai quân ở biên giới giáp Ukraine là một minh chứng cho điều đó.
“Đây có thể sẽ là con bài nặng ký của Moscow nhằm tìm cách giảm áp lực của EU lên các vấn đề nhạy cảm hơn của nước này như vụ ông Navalny. EU dù cứng rắn đến mấy nhưng sẽ khó chấp nhận bước vào một cuộc xung đột với Nga. Không chỉ lo ngại gánh nặng thiệt hại về kinh tế, nhân mạng mà ngay từ việc đảm bảo cả khối cùng đồng thuận đánh Nga đã là chuyện rất khó. Những thành viên nhỏ hơn nhiều khả năng sẽ rút lui và công tác chuẩn bị lực lượng sẽ đổ dồn lên các thành viên đầu tàu EU như Pháp hay Đức” - EU Observer đánh giá.
Dù vậy, Nga hiện tại sẽ không vội viện tới đe dọa quân sự, bởi nếu vận dụng quá sớm thì Moscow sẽ không còn gì để đối trọng EU. Điều này trước mắt sẽ tạo ra một khoảng nhỏ dư địa để hai bên cùng xem xét lại quan hệ và tìm kiếm giải pháp giảng hòa mâu thuẫn. Dù vậy, xét hiện trạng cả hai phía đều đang cảm thấy “vỡ mộng” về nhau, gần như cần phải có một diễn biến nào đó thật sự chấn động, như cách Thế chiến II nổ ra hồi thế kỷ trước, để hai bên có thể cùng gác lại những khác biệt về thể chế và quan điểm vì mục tiêu hòa bình, ổn định chung. •
EU nỗ lực tự chủ về năng lực quốc phòng Trước các thách thức an ninh ngày càng lớn từ Nga, EU ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc cần nhanh chóng thiết lập tự chủ về chính sách và ngân sách quốc phòng toàn khối để kịp thời phản ứng trước các kịch bản tiêu cực có thể xảy ra. Mới đây, khối này đã thông qua cái gọi là Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) với ngân sách lên tới 9,4 tỉ USD cho giai đoạn 2021-2027. Theo kênh EURACTIV, EDF là cơ chế về tài chính và pháp lý tốt, có nhiệm vụ thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và cải tiến công nghệ đối với nền công nghiệp quốc phòng toàn khối. Phạm vi hỗ trợ của EDF gồm cả các tập đoàn lớn cũng như các công ty vừa và nhỏ trong lĩnh vực quốc phòng. Trước mắt, khoảng 1/3 số tiền của quỹ sẽ được đầu tư cho các dự án nghiên cứu nhằm đối phó những mối đe dọa an ninh mới nổi và trong tương lai, trong khi phần còn lại sẽ hỗ trợ các nước cùng hợp tác phát triển những sản phẩm và công nghệ quốc phòng. |