Ông Haftar dọa chiến dịch lớn nhất sẽ nhằm vào lính Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa quân sang Libya hồi tháng 1 để tiếp viện cho Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận. Trước đó, Ankara đã cung cấp thiết bị quân sự để hỗ trợ Tripoli trong chiến dịch chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu lực lượng của ông Haftar tấn công binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở Libya.

LNA: Sẽ phát động chiến dịch trên không lớn nhất trong lịch sử Libya nhằm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ huy không quân LNA Saqr al-Jaroushi ngày 21-5 cảnh báo rằng “chiến dịch trên không lớn nhất trong lịch sử Libya” sẽ được phát động “trong vài giờ tới” và sẽ tấn công vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu

“Tất cả mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại những khu vực bị chiếm đóng của Libya là những mục tiêu hợp pháp cho các máy bay chiến đấu của LNA. Chúng tôi khẳng định với người dân chúng tôi rằng chúng tôi sẽ bảo vệ họ bằng tất cả biện pháp hiện tại cho tới khi chúng tôi tiêu diệt kẻ thù trên mảnh đất của chúng tôi” - ông Al-Jaroushi cho hay.

Ông Al-Jaroushi cho biết thêm dân thường đã được yêu cầu tránh xa những địa điểm này.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi cảnh báo những người bị lừa gạt tham gia hàng ngũ của các tay súng GNA: đầu hàng hoặc bị tiêu diệt và thậm chí sẽ không còn bất cứ thứ gì trên người để chôn” - ông Al-Jaroushi cảnh báo.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo hậu quả nặng nề

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - ông Hami Aksoy ngày 21-5 cảnh báo sẽ có hậu quả nghiêm trọng dành cho các lực lượng của ông Haftar nếu lực lượng này tấn công binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở Libya.

Tiêm kích MiG-23MS của không quân Libya. Ảnh: SPUTNIK

“Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng trong trường hợp lợi ích của chúng tôi ở Libya bị tấn công thì điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ coi các lực lượng của ông Haftar là một mục tiêu hợp pháp để tấn công” - ông Aksoy nhấn mạnh.

Đài NTV dẫn lời người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết các cuộc tấn công vào các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya sẽ dẫn tới sự trả đũa khắc nghiệt.

Bình luận về tuyên bố của ông Al-Jaroushi, ông Aksoy nói rằng điều đáng chú ý ở đây là tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều máy bay quân sự mới được triển khai ở đông Libya thông qua sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ GNA - ông Fathi Bashagha cáo buộc ít nhất tám máy bay chiến đấu (gồm sáu chiếc MiG-29 và hai chiếc Su-24) được chuyển tới Libya từ Syria.

Chính phủ Syria chưa bình luận về thông tin này.

Chính phủ Damascus đã thiết lập quan hệ ngoại giao với lực lượng LNA trước đó trong năm nay. Damascus cam kết hợp tác chống lại “mối đe dọa chung là Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cũng trong ngày 21-5, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nước này đủ hỏa lực được tập trung ở Libya để bảo vệ các căn cứ của họ bằng máy bay không người lái và tàu chiến ở ngoài khơi Tripoli.

GNA thừa thắng xông lên

Hôm 18-5, GNA chiếm lại căn cứ không quân Al-Watiya ở tây nam thủ đô Tripoli từ LNA. Đây là thắng lợi lớn nhất của GNA trong gần một năm qua.

Trước đó, trong ngày 21-5, người phát ngôn GNA Mohamed Gnunu cho hay chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj đã tiếp tục tấn công một số vị trí của LNA ở tây Libya, kể cả TP Tarhouna - thành trì cuối cùng của lực lượng ông Haftar gần Tripoli.

Thành viên của GNA ra dấu hiệu chiến thắng sau khi giành lại căn cứ không quân Al-Watiya. Ảnh: REUTERS

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết GNA đã tiến hành năm chiến dịch trên không nhằm vào các lực lượng ủng hộ ông Haftar trong 24 giờ qua.

Một ngày trước đó, tức 20-5, LNA thông báo rút khỏi các mặt trận Tripoli để nới lỏng điều kiện cho người dân nơi đây vào cuối tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 20-5 nói rằng cán cân ở Libya đã thay đổi đáng kể nhờ sự huấn luyện và cố vấn của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, các tuyên bố của ông Al-Jaroushi “là một sự phản ánh nữa những thiệt hại mà lực lượng ông Haftar gánh chịu gần đây và chứng tỏ ý định làm theo thang căng thẳng ở Libya của họ”.

Một xe tăng bị phá hủy thuộc về GNA ở Wadi Rabiya, ngoại ô Tripoli của Libya hôm 28-5-2019. Ảnh: REUTERS

LNA và Ankara leo thang căng thẳng chưa đầy một ngày sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Hai nhà ngoại giao đã tái khẳng định sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch trong cuộc xung đột Libya và nối lại các cuộc hòa đàm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Hôm 20-5, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng tin Sputnik rằng Moscow ủng hộ bất cứ sáng kiến nào nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Libya và hy vọng các bên liên quan chấm dứt các chiến dịch ít nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội Eid al-Fitr (lễ Xả chay) của người Hồi giáo. Lễ hội này diễn ra trong thời gian từ giữa cho tới cuối tháng 5.

Cuộc xung đột Libya

Libya từng là một trong những quốc gia an toàn và thịnh vượng nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do phương Tây hậu thuẫn, đất nước này chìm vào nội chiến.

Sau đó, quốc gia Bắc Phi này bị các lực lượng đối lập, các nhóm khủng bố, băng nhóm tội phạm và những kẻ buôn người xâu xé.

Tiếp đó, Quốc hội có trụ sở tại Tobruk - một thành phố ở miền Đông được sự hỗ trợ của LNA và Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận đóng ở Tripoli đã tự củng cố lớn mạnh và trở thành hai phe quyền lực chính trị và quân sự chính ở Libya. Bên nào cũng muốn kiểm soát toàn bộ Libya.

Tháng 4-2019, LNA phát động chiến dịch tấn công Tripoli và tiến vào vùng ngoại ô của TP. Tuy nhiên, tháng 1-2020, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một lượng binh sĩ tới nhằm ngăn đà tiến quân và đẩy lực lượng ông Haftar khỏi TP.

Nhiều nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột thông qua hòa đàm đến nay vẫn không gặt hái được kết quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm