Phản đối QUAD, Bắc Kinh chỉ trích các 'bè phái độc quyền'

Lãnh đạo bốn nước thành viên nhóm “Bộ Tứ” (QUAD) - gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật - ngày 12-3 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và cởi mở" là điều cần thiết và cam kết Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm đạt được sự ổn định.

Phản ứng trước hội nghị trên, Trung Quốc ngày 15-3 nhấn mạnh việc không nên hình thành “bè phái độc quyền”, đưa ra cáo buộc “một số quốc gia đang cố gắng chia rẽ các quốc gia trong khu vực với lý do 'mối de dọa từ Trung Quốc'” và khẳng định “các quốc gia này sẽ chẳng đi đến đâu”, tờ The Economist ngày 15-3 đưa tin.

“Các nước không nên hình thành bè phái độc quyền”

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Các nước liên quan nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến về ý thức hệ, không hình thành các bè phái độc quyền và hành động theo hướng có lợi cho đoàn kết, thống nhất, hòa bình và ổn định của khu vực”.

Phát ngôn của ông Triệu là lời đáp trước câu hỏi liên quan hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo bốn nước QUAD hôm 12-3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AP

Đồng thời, đây cũng là phản ứng của ông Triệu trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Jake Sullivan rằng bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về thách thức mà Trung Quốc đặt ra và cho biết cả bốn bên đều tin rằng các nền dân chủ có thể cạnh tranh với Bắc Kinh.

"Tại một thời điểm nào đó, một số quốc gia đã phóng đại cái gọi là 'mối đe dọa Trung Quốc'. Trung Quốc thách thức sự chen chân vào giữa các nước trong khu vực nhằm gây bất hòa trong quan hệ của họ với Bắc Kinh" - ông Triệu tuyên bố.

Ông Triệu nói: “Những gì họ làm đi ngược lại xu thế của thời đại là hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi, cũng như đi ngược lại nguyện vọng chung của người dân trong khu vực”.

“Họ sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào và sẽ chẳng đi đến đâu cả” - ông Triệu nhấn mạnh.

Ông Triệu cho biết: “Trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia cần có lợi cho việc tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước và không nên nhằm mục đích chống lại hay làm suy yếu lợi ích của các bên thứ ba”.

"Washington cần đối xử khách quan với Bắc Kinh"

Theo The Economist, ông Triệu cũng bày tỏ sự phản đối trước những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin rằng mục tiêu của Mỹ và các đồng minh quan trọng là đảm bảo rằng họ có năng lực, khái niệm và kế hoạch tác chiến nhằm củng cố khả năng răn đe đối với Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác thách thức Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa bốn nước thành viên QUAD. Ảnh: REUTERS

“Trong thời đại toàn cầu hóa, việc hình thành các bè phái chống lại các quốc gia cụ thể dựa trên ý thức hệ là bất lợi cho trật tự quốc tế. Họ sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào và sẽ chẳng đi đến đâu cả” - ông Triệu nói.

"Mỹ nên có tư duy đúng đắn, nhìn nhận Trung Quốc và quan hệ Trung - Mỹ một cách khách quan và hợp lý, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm việc với Trung Quốc, tập trung vào hợp tác và quản lý những khác biệt để đưa quan hệ song phương trở lại sự phát triển tích cực và ổn định" - ông Triệu nói.

Ông Triệu cũng cho biết Trung Quốc đã và đang thúc đẩy hòa bình thế giới và đóng góp vào sự phát triển và bảo vệ trật tự quốc tế, The Economist đưa tin.

"Một Trung Quốc lớn mạnh sẽ đồng nghĩa với một sức mạnh lớn hơn cho hòa bình. Đây là cơ hội hơn là thách thức đối với thế giới. Trung Quốc kiên quyết duy trì hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc làm cốt lõi và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải trật tự quốc tế được xác định của một số quốc gia nhất định để cứu lấy quyền bá chủ của họ" - ông Triệu nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Ấn Độ trong tuần này cùng với Nhật và Hàn Quốc, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao dưới chính quyền ông Biden.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ được đưa vào chương trình nghị sự trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm