Pháp, Đức hạ lệnh ‘đóng cửa’ trước làn sóng COVID-19 thứ hai

Pháp và Đức đều đã ra lệnh "đóng cửa" trước nguy cơ xảy ra làn sóng tiếp theo của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang dần trở nên nghiêm trọng tại khu vực châu Âu, theo hãng tin Reuters.

“Virus đang lan truyền với tốc độ mà ngay cả dự báo tồi tệ nhất cũng không thể lường trước được. Chúng tôi bị nhấn chìm bởi tốc độ lây lan của chủng virus này” - ông Macron phát biểu ngày 28-10.

Tổng thống Pháp cũng nhận định: “Chúng ta đều đang đối mặt với cùng một vấn đề: chuẩn bị đón đầu làn sóng dịch bệnh thứ hai, thứ mà chúng ta biết sẽ nguy hiểm hơn lần càn quét trước. Tôi đã quyết định chúng ta cần phải thực hiện đóng cửa để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh này”.

Các biện pháp an toàn của Pháp sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30-10. Theo đó, người dân Pháp sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp mua đồ dùng thiết yếu, sử dụng dịch vụ y tế hoặc tập thể dục tối đa một giờ mỗi ngày. Họ vẫn sẽ được đi làm nếu công việc đó không thể làm tại nhà và các trường học vẫn sẽ được mở cửa.

Người dân Đức đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp an toàn trước làn sóng dịch bệnh lần thứ hai. Ảnh: REUTERS

Tương tự Pháp, Đức sẽ đóng cửa các quán bar, nhà hàng và nhà hát kể từ ngày 2 đến ngày 30-11. Các trường học tại Đức vẫn sẽ mở cửa và các cửa hàng vẫn được phép hoạt động với những quy định nghiêm ngặt về việc ra vào.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Trước đó chúng ta vẫn có thể kiểm soát được tình hình, nhưng với tốc độ lây lan như hiện tại, hệ thống y tế của chúng ta sẽ nhanh chóng quá tải trong vòng vài tuần”.

“Số lượng các ca nhiễm ngày càng tăng buộc chúng tôi phải thực hiện  các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai”- bà Olaf Scholz, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức viết trên trang Twitter.

Tại thời điểm hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 của Pháp đã tăng trên 30.000 ca mỗi ngày. Đức được xem là quốc gia ít chịu ảnh hưởng hơn các quốc gia châu Âu khác cũng đã chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm theo cấp số nhân.

Thị trường chứng khoán thế giới cũng lao dốc trước thông tin các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang dần áp đặt các hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ khiến cho nền kinh tế toàn cầu năm nay rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng, theo Reuters.

Ngoài việc đưa ra các biện pháp nhằm “cứu rỗi” nền kinh tế thì việc kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện vẫn đang là một vấn đề nan giải với các nhà lãnh đạo châu Âu. 

“Nếu chúng ta vẫn còn chần chừ, hệ thống y tế của chúng ta sẽ quá tải, lúc đó đã quá muộn để xoay chuyển tình hình”- Bộ trưởng Bộ y tế Đức cho biết.

Bà Tatiana Golikova, Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết các giường bệnh tại Nga đã được sử dụng ở mức 90% khả năng cung cấp tại 16 khu vực trên đất nước. Các quan chức Nga cũng đã cảnh báo ngay cả những nước có hệ thống y tế được trang bị tốt như Pháp và Thụy Sĩ cũng sẽ đạt tới giới hạn trong vài ngày tới.

Số liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Âu đã báo cáo 1,3 triệu ca bệnh mới trong vòng bảy ngày vừa qua, chiếm gần một nửa so với 2,9 triệu ca bệnh mới được báo cáo trên toàn thế giới.  

Cho đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 42 triệu trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và hơn 1,1 triệu ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm ngoái. 

Trước đó, các quốc gia châu Âu đã bị chỉ trích vì xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh, không áp dụng các biện pháp an toàn sớm khiến cho hệ thống y tế tại châu Âu không kịp đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm