Pháp tìm lối đi ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

Tờ South China Morning Post ngày 28-2 dẫn lời các chuyên gia nhận định Pháp đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông với một cách tiếp cận cân bằng chiến lược, nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Sau khi điều tàu ngầm hạt nhân SNA Émeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đến tuần tra tại Biển Đông hồi đầu tháng 2, Pháp ngày 18-2 đã khởi động “Chiến dịch Jeanne d’Arc 2021”.

Theo kế hoạch, Hải quân Pháp sẽ triển khai tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu chiến Surcouf qua Biển Đông nhằm gây áp lực lên các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại khu vực này.

Theo giới quan sát, động thái này cho thấy Pháp đang thực hiện chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đưa ra năm 2019, trong đó có việc tăng cường hiện diện trong khu vực và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

'Pháp chưa lập hải trình qua eo biển Đài Loan'

Khi được hỏi liệu có tàu chiến Pháp ý định đi qua eo biển Đài Loan hay không, Hạm trưởng tàu Tonnerre Arnaud Tranchant hôm 18-2 cho biết Pháp “tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền tại các vùng lãnh thổ mà hải quân Pháp đi qua”.

Tuy nhiên, ông Tranchant cho biết "vẫn chưa lập hải trình cho khu vực này".

Tàu chiến Surcouf của hải quân Pháp. Ảnh: TWITTER / SCMP

Chuyên gia Antoine Bondaz tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nhận định: “[Việc không đi qua eo biển Đài Loan] thực sự sẽ là một cử chỉ tích cực”.

Pháp không đề cập Đài Loan trong chiến lược an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như trong các lần cập nhập gần đây. Trong khi đó, Pháp đề cập đến Trung Quốc 28 lần, thậm chí còn nhiều hơn cả Nga.

“Tôi cho rằng đây là một chiến lược có hệ thống nhằm 'vô hình hóa' Đài Loan” – chuyên gia Bondaz nhận định, ngụ ý rằng có một hình thức tự kiểm duyệt giữa các nhà hoạch định châu Âu liên quan vấn đề Đài Loan.

“Các nước châu Âu cần rõ ràng hơn trong phản đối việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển” – ông Bondaz nói.

Trước đó, theo hãng tin Reuters, một tàu chiến Pháp hồi tháng 4-2019 đã đi qua eo biển Đài Loan, một động thái hiếm hoi của một quốc gia châu Âu, khiến Bắc Kinh tức giận. 

Trung Quốc đã thông báo với Pháp rằng họ không còn được mời tham dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc.

Bà Helena Legarda - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) – nói: “Nếu Pháp chọn không di chuyển qua eo biển Đài Loan lần này, đây chắc chắn có thể được coi là nỗ lực của Paris nhằm cân bằng mục tiêu chiến lược là bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực, đồng thời nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu đi”.

Pháp cân bằng trong quan hệ Mỹ - Trung

Theo SCMP, giới chuyên gia nhận định rằng Bắc Kinh đến nay vẫn đang kiềm chế trước hoạt động hàng hải của Pháp ở Biển Đông.

Khi được hỏi về sứ mệnh của tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải”.

Tuy nhiên, ông Uông cho biết Trung Quốc phản đối bất kỳ nỗ lực nào gây tổn hại chủ quyền và an ninh của Bắc Kinh, cũng như phá vỡ hòa bình và sự ổn định trong khu vực với lý do “tự do hàng hải”.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện tại Biển Đông ngày 9-2. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ông Sun Keqin - nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác quốc tế của Trung Quốc - cho rằng hoạt động của Pháp tại Biển Đông rõ ràng là "có phần hợp tác với Mỹ", điều mà Trung Quốc "không vui" và buộc Bắc Kinh phải lưu ý.

"Tuy nhiên, hoạt động này khác với việc Mỹ tiến hành các chiến dịch tại Biển Đông và khiêu khích Trung Quốc. Do vậy, phản ứng của Trung Quốc khá kiềm chế và vào thời điểm này, chúng tôi hy vọng rằng Hải quân Pháp sẽ không đi quá xa” – ông Sun nói.

Chuyên gia Legarda cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc không phản ứng mạnh mẽ trước sự gia tăng hiện quân sự của Pháp tại Biển Đông trong những tháng gần đây.

“Đây có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang kiềm chế nhằm tránh làm 'phật lòng' châu Âu, trong bối cảnh quan  hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng” – bà Legarda nói.

Trước đó, trong thông điệp tại Hội nghị An ninh Munich 2021 hôm 19-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định "Nước Mỹ đã trở lại, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại".

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một lần nữa kêu gọi “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu, động thái phát đi tín hiệu rằng châu Âu không quá phụ thuộc vào Mỹ.

SCMP dẫn lời chuyên gia Bondaz kết luận rằng lập trường của Pháp rất rõ ràng: thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và dựa trên luật lệ. Mục đích của Pháp là không ủng hộ chính sách của Mỹ và cũng không phản đối chính sách của Trung Quốc, mà là gửi thông điệp tới mọi quốc gia về các nguyên tắc cơ bản.

“Chính sách của Pháp là cân bằng và nhất quán với các chính sách trước đây. Đây không phải là chống lại Trung Quốc, đây là vì lợi ích của chúng tôi" – ông Bondaz nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm