Tối 24-8, chuyên cơ Không lực Hai chở Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hạ cánh ở Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của nhà lãnh đạo Mỹ từ ngày 24-8 đến ngày 26-8.
Việt Nam là điểm đến thứ hai trong chuyến công du Đông Nam Á của bà Harris, sau Singapore. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đón một vị phó tổng thống Mỹ đương nhiệm sang thăm chính thức.
Liên quan chuyến thăm, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng, ĐH New South Wales, Úc) nhận định bên cạnh nêu bật cam kết của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu và khu vực, bà Harris có thể thông báo nhiều sáng kiến tập trung vào hợp tác để tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ thông qua mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: quan hệ chính trị - ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, trao đổi giáo dục, môi trường và y tế, giao lưu nhân dân (văn hóa, du lịch và thể thao), v.v.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam. Ảnh: REUTERS
Ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ kinh tế Việt-Mỹ
Tờ Nikkei Asia (Nhật) nhận định xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt có thể sẽ là một trong những chủ đề chính trong chuyến thăm của bà Harris đến Việt Nam, trong bối cảnh tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu cũng như nhu cầu gia tăng về vaccine ngừa COVID-19 và các sản phẩm y tế khác.
Theo tờ báo, Đông Nam Á là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng, điển hình là chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Nikkei Asia dẫn lời ông Alan Chong - phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) – nhận định: “Trong ASEAN, hai quốc gia này là ổn định nhất và thân thiện nhất đối với Mỹ trong số 10 quốc gia thành viên. Mỹ muốn các quốc gia thân thiện dọc theo lãnh thổ của Trung Quốc có vị thế mạnh hơn trong việc liên kết với Mỹ".
Trong khi đó, GS Thayer nhận định bà Harris có thể sẽ thăm dò cơ hội phát triển ngành điện tử của Việt Nam lên một tiêu chuẩn cao hơn nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng an toàn cho thị trường Mỹ.
Theo số liệu từ CEIC, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu trong tháng 4, cho thấy vai trò của Việt Nam đối với chuỗi cung ứng châu Á của Mỹ.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Mỹ đã và đang đầu tư mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Nikkei Asia dẫn lời một giám đốc điều hành của Intel tại Việt Nam cho biết Intel đã tìm cách nâng cao năng lực sản xuất lắp ráp và thử nghiệm tại Việt Nam, vì tập đoàn coi Việt Nam này là "một phần quan trọng trong sự hiện diện sản xuất trên toàn thế giới của Intel".
"Nhu cầu toàn cầu chưa từng có đối với các linh kiện bán dẫn, cùng xu hướng chuyển đổi số trên thế giới do đại dịch COVID-19, đã dẫn đến sự thiếu hụt các thành phần linh kiện quan trọng của bên thứ ba trong toàn ngành, điều này đang ảnh hưởng đến các nhà cung cấp công nghệ trong toàn ngành" – ông Kim Huat Ooi, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho hay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam cũng đang để mắt đến thị trường khổng lồ Mỹ. Tập đoàn Vingroup có kế hoạch xuất khẩu xe điện do công ty con VinFast sản xuất sang Mỹ để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về ô tô thân thiện với môi trường.
Một cảng ở tỉnh Quảng Ninh: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch. Ảnh: REUTERS
Theo Nikkei Asia, việc mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các nền kinh tế Đông Nam Á đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phục hồi đại dịch, ngay cả khi khu vực này vẫn là tâm điểm của các đợt lây nhiễm.
Việt Nam và Singapore sẽ hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào giúp ích cho tiến trình phục hồi này, chẳng hạn cam kết về cung ứng vaccine hay thảo luận về nhu cầu đi lại trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong chuyến thăm Việt Nam, bà Harris dự kiến sẽ dự lễ khai trương một văn phòng mới của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Đông Nam Á.
“Đây sẽ là một bước phát triển mang tính cột mốc vì nó thể hiện cam kết dài hạn của Mỹ không chỉ với Việt Nam mà với cả khu vực, cũng như để đối phó với dịch COVID-19 và các loại bệnh truyền nhiễm khác” - GS Thayer nhận định.
Theo ông Thayer, CDC sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia y tế công cộng trong khu vực cộng tác với nhau tốt hơn, thu thập dữ liệu về việc sử dụng vaccine, tính hiệu quả của vaccine và ra các khuyến nghị chính sách nhằm đối phó COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.
Liệu Mỹ có tái gia nhập Hiệp định CPTPP?
Một câu hỏi được đặt ra là liệu chuyến công du của bà Harris tới Singapore và Việt Nam có làm tăng khả năng Mỹ tái gia nhập Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không, khi cả hai quốc gia này đều là thành viên của hiệp định này.
Nikkei Asia dẫn lời ông Jayant Menon - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore – nhận định rằng chuyến thăm của bà Harris "không chắc" sẽ dẫn đến việc Mỹ tái gia nhập CPTPP.
11 quốc gia ký kết hiệp định CPTPP vào ngày 8-3-2018 tại Chile. Ảnh: REUTERS
Theo vị chuyên gia, CPTPP là một phiên bản rút gọn đáng kể của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, điều mà các doanh nghiệp Mỹ hết sức chú trọng.
“Việc gia nhập CPTPP có thể mang giá trị chiến lược trong việc tái tương tác với khu vực, nhưng vẫn chưa rõ liệu điều này có đủ hay không khi vẫn có các con đường khác như hợp tác về môi trường hoặc an ninh” – ông Menon cho hay.
Theo Nikkei Asia, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng không tính đến việc sẽ có bất kỳ bước đột phá nào liên quan vấn đề CPTPP trong chuyến thăm của bà Harris.
"[Liệu] có bất kỳ triển vọng ngay lập tức nào về việc Mỹ tái tham gia CPTPP không? Tôi e rằng câu trả lời là không" - ông Balakrishnan hôm 23-8 trao đổi với truyền thông địa phương.
Ông Balakrishnan chỉ ra rằng những cân nhắc chính trị trong nước của Mỹ khiến Nhà Trắng không thể thúc đẩy các cuộc thảo luận về khuôn khổ thương mại đa phương.
Theo GS Thayer, chuyến thăm Singapore và Việt Nam của bà Harris là một phần trong sự tương tác toàn diện của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với Đông Nam Á, nối tiếp cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken với những người đồng cấp ASEAN và hai chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Singapore và Việt Nam.
“Chuyến thăm của bà Harris là chưa có tiền lệ vì bà là vị phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Đông Nam Á” – ông Thayer cho hay.
“Vì Phó Tổng thống Harris làm việc chặt chẽ với Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo khu vực sẽ biết rằng lời nói của bà có trọng lượng. Tóm lại, khi ông Biden hoặc bà Harris nói ‘nước Mỹ trở lại’ thì ý họ là lời nói đi kèm hành động” - ông Thayer nhấn mạnh.