Sẽ có thỏa thuận hạt nhân Iran mới - thỏa thuận Trump?

Điểm nóng Trung Đông đang căng thẳng nguy hiểm, đặc biệt sau sự kiện hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, dù nhóm phiến quân Houthi ở Yemen (được Iran bảo trợ) lên tiếng nhận trách nhiệm. Mỹ nói vũ khí tấn công vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia gồm cả tên lửa chứ không chỉ là máy bay không người lái và điểm phóng tên lửa này là từ Iran.

Tình hình càng leo thang khi sự kiện này có dấu hiệu sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 năm 2015. Theo thỏa thuận ký với các nước Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Iran thu nhỏ chương trình hạt nhân, giảm một lượng lớn uranium dự trữ để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt từ các nước. Thời điểm thỏa thuận được thương lượng, ưu tiên các nước đặt ra là ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực hơn là chú trọng các vấn đề khác. Như vậy, thỏa thuận đang được thực thi hiện tại chỉ bao gồm chương trình hạt nhân Iran chứ không bao gồm chương trình tên lửa nước này, cũng không tính đến các hành động của nước cộng hòa Hồi giáo trong khu vực.

Với các diễn biến hiện tại, Iran tới đây có khả năng sẽ bị buộc phải thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân với những nội dung, điều khoản bất lợi hơn cho họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại trụ sở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 23-9, có khả năng sẽ là người dẫn đầu các nước tái thương lượng một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Ảnh: AP

Thỏa thuận Trump?

Ngày 23-9, ba nước Đức, Pháp, Anh cùng ra tuyên bố chung rằng “Iran đã đến lúc phải chấp nhận một khuôn khổ đàm phán lâu dài cho chương trình hạt nhân nước này cũng như các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm chương trình tên lửa của mình”.

Trả lời phỏng vấn đài NBC ngày 23-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại có “nhiều khiếm khuyết”, kêu gọi đàm phán một thỏa thuận mới và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là người duy nhất có khả năng đứng ra tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. Theo Thủ tướng Johnson, ông Trump là một “nhà thương lượng rất, rất thông minh”. Ông Johnson tin mình có thể làm trung gian giữa EU và ông Trump về Iran và dự kiến sẽ gặp ông Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuần này.

Tuyên bố chung của Đức, Pháp, Anh và phát ngôn của ông Johnson là một bước chuyển lớn khi quan điểm của các nước châu Âu trước nay luôn bảo vệ đến cùng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 dù Mỹ có rút khỏi.

Ngày 23-9, một năm rưỡi sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng thương lượng một thỏa thuận mới với Iran. Lý do ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái là vì thỏa thuận này vừa không có lợi cho Mỹ, vừa không có giá trị kiềm chế được Iran khi không tính đến chương trình tên lửa Iran cũng như các hành động của Iran ở khu vực. Ông Trump muốn thỏa thuận được thương lượng lại với các điều khoản có lợi hơn cho Mỹ cũng như siết chặt chương trình hạt nhân Iran hơn. Cụ thể, ngoài chương trình hạt nhân, thỏa thuận phải bao gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các hành động của nước này ở khu vực, chẳng hạn như ủng hộ nhiều nhóm vũ trang ở Trung Đông.

Hãy bàn một thỏa thuận tốt hơn. Tôi nghĩ có một người có thể tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn… và đó là tổng thống Mỹ. Tôi hy vọng đây sẽ là một thỏa thuận Trump.

Thủ tướng Anh BORIS JOHNSON trả lời phỏng vấn đài NBC 

Không dễ thống nhất

Như vậy, châu Âu giờ đã thống nhất với Mỹ chuyện tái thương lượng thỏa thuận hạt nhân Iran. Và khả năng này dễ xảy ra khi không chỉ phương Tây mà cả Iran cũng đã nghĩ đến điều này. Một ngày trước khi Đức, Pháp, Anh ra tuyên bố chung, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân lâu dài nhưng bàn thương lượng phải có sự tham gia của các nước cùng ký thỏa thuận năm 2015. Tuy nhiên, ông Zarif cũng nói sẽ không có thỏa thuận mới nào trước khi các bên thực thi đúng thỏa thuận hiện tại.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ hội để xúc tiến việc này có thể là tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), khi các lãnh đạo và nhà ngoại giao hàng đầu của sáu bên - Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Iran - cùng ký thỏa thuận hiện tại cùng có mặt. Trước mắt, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 23-9 nói bộ ba Pháp, Đức, Anh sẽ thảo luận các vấn đề liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran tại kỳ họp ở New York.

Theo đài ABC News, chuyện thống nhất cách tiếp cận có thể không đơn giản. Một nguồn tin ngoại giao nói với đài này rằng châu Âu đã đề xuất một phương án tạm thời rằng Iran sẽ tuân thủ thỏa thuận, thay vào đó Mỹ cho phép hỗ trợ kinh tế cho Iran. Nếu hai bên đồng ý thì có hy vọng các bên có thể bắt đầu thương lượng một thỏa thuận mới mở rộng hơn các giới hạn của thỏa thuận cũ và bao quát cả chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Chưa biết viễn cảnh sẽ thế nào khi ngày 23-9 Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ không có thương lượng gì cho đến khi ông Trump dỡ bỏ trừng phạt Iran. Trong khi đó, cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook đều nói chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không ngừng chiến dịch “tối đa hóa trừng phạt” lên Iran.

Đầu tháng 9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết tìm thấy dấu hiệu uranium tại một cơ sở hạt nhân không công bố ở Iran, cho thấy vấn đề hạt nhân Iran phức tạp hơn nhiều những gì đang công khai.

Hồi tháng 7, các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã bắt đầu làm giàu uranium vượt trên 3,67% thống nhất trong thỏa thuận hạt nhân và hiện kho dự trữ uranium làm giàu của Iran đã vượt mức 300 kg cho phép. Uranium làm giàu thấp (3%-5%) có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu tại các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, uranium làm giàu cao ở mức 90% trở lên có thể dùng được trong sản xuất vũ khí. Nhiều nhà phân tích cho rằng Iran có thể bắt tay làm giàu uranium ở mức 20%.

Từ tháng 5, Iran đã ngưng một số bổn phận của mình trong thỏa thuận nhằm phản ứng việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran, trong khi các nước châu Âu không bảo vệ được quyền lợi của nước Cộng hòa Hồi giáo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm