Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23-9 khẳng định Iran đứng sau vụ tấn công hai nhà máy dầu của Saudi Arabia hôm 14-9, theo hãng tin Sputnik.
“Đã đến lúc Iran chấp nhận một khuôn khổ đàm phán lâu dài cho chương trình hạt nhân của nước này, cũng như các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm chương trình tên lửa của nước này”, chính phủ Anh-Đức-Pháp cho hay trong một tuyên bố chung ngày 23-9.
Cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia ở Abqaiq bị tấn công ngày 14-9. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi với sự kiên quyết tột bậc lên án những cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu ở lãnh thổ Saudi Arabia hôm 14-9-2019 ở Abqaiq và Khurais, và tái khẳng định sự đoàn kết tuyệt đối của chúng tôi với Vương quốc Saudi Arabia và người dân của nước họ […]. Chúng tôi cho rằng Iran chịu trách nhiệm vụ tấn công này. Chẳng có lời giải thích nào hợp lý nữa. Chúng tôi ủng hộ các cuộc điều tra đang diễn ra để tìm ra chi tiết đầy đủ”, tuyên bố chung cho hay.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trước đó nói rằng Pháp, Anh và Đức cũng sẽ thảo luận tình hình xung quanh Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi thỏa thuận hạt nhân Iran, tại cuộc họp sắp tới của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tổ chức họp báo trưng ra những gì mà nước này mô tả là bằng chứng cho sự tham gia của Iran trong các vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Tehran đã phủ nhận cáo buộc.
Theo một số báo cáo gần đây, việc khôi phục hoàn toàn các cơ sở dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco (Saudi Arabia) sau khi bị tấn công mất vài tháng. Cuộc tấn công làm giảm hơn một nửa tổng sản lượng dầu của nước này và khiến giá dầu tăng vọt.
Ngay sau vụ tấn công, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, Mỹ loại bỏ khả năng này và khẳng định Iran mới là thủ phạm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 23-9 cho hay Mỹ tìm cách sử dụng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này để giành lấy lợi thế trong việc đạt được các thỏa thuận hàng tỉ USD và duy trì sự hiện diện lâu dài ở Trung Đông.