Thoả thuận hạt nhân Iran: Mỹ chính thức đi bước quyết định!

Ngày 20-8, Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình tiến tới kích hoạt một cơ chế tranh cãi nhằm tái áp đặt trừng phạt lên Iran – bước đi làm rộng hơn nữa khoảng cách giữa Washington với các đồng minh châu Âu, cũng như đe dọa sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cụ thể, ngày 20-8 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình thư lên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Người đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐBA luân phiên là Đại sứ Indonesia tại LHQ. Trong thư ông Pompeo thông báo đến Chủ tịch HĐBA về sự “không tuân thủ nghiêm trọng” của Iran đối với các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký năm 2015, theo bản sao lá thư hãng tin AFP thu thập được.

Cơ chế "snapback”

Lá thư được chuyển trực tiếp cho Đại sứ Indonesia đang ở tại New York. Với hành động này ông Pompeo và Mỹ bắt đầu tiến trình kích hoạt một cơ chế tranh cãi được biết đến với tên gọi "snapback" (tạm dịch: bước lùi) - ở đây có thể hiểu là nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế lên Iran vốn bị ngưng theo nội dung thỏa thuận.

Trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran và các nước P15+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) thống nhất sẽ phong tỏa trừng phạt quốc tế với Terhan, đổi lại nước này sẽ phong tỏa chương trình hạt nhân của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đề nghị HĐBA LHQ kích hoạt cơ chế “snapback” khôi phục trừng phạt quốc tế lên Iran. Ảnh: REUTERS

Nghị quyết của HĐBA chứng nhận thỏa thuận hạt nhân Iran – có Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama tham gia đàm phán – nói rằng các nước tham gia có thể đơn phương khôi phục trừng phạt Iran nếu nước này không tuân thủ thỏa thuận.

Cơ chế "snapback" này được biết sẽ đưa tới việc tái áp đặt trừng phạt lên Iran sau 30 ngày kể từ khi Mỹ đề xuất, nếu không có sự phản đối của bất kỳ nước thành viên nào. Các nước có khả năng phản đối cao nhất là Nga và Trung Quốc.

Toàn bộ thành viên thỏa thuận hạt nhân Iran phản đối

Ngoài gửi thư cho Chủ tịch HĐBA ông Pompeo đã tới nhà riêng của Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres bàn về chuyện này, theo AFP. Ông Pompeo cũng có cuộc họp báo về vấn đề này tại LHQ.

Tại cuộc họp báo, ông Pompeo chỉ trích mạnh cái ông cho là thái độ hai mặt của các đồng minh châu Âu. Ông Pompeo nói gay gắt rằng nhiều quan chức Đức, Anh, Pháp từng nói riêng rằng họ ủng hộ với việc gia hạn cấm vận vũ khí Iran, nhưng giờ đến thời điểm quyết định thì lại công khai chọn đứng về phía Iran.

Sau khi chỉ trích các đồng minh châu Âu, ông Pompeo chuyển sang hoan nghênh các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia – về sự can đảm và đoàn kết của các nước này trong cảnh báo về sự nguy hiểm từ Iran.

Ba nước Anh-Pháp-Đức đã ra tuyên bố chung giải thích rằng với tư cách là các thành viên của thỏa thuận hạt nhân Iran các nước này không thể ủng hộ nỗ lực của Mỹ nhằm thông qua cơ chế "snapback", vì điều này vi phạm thỏa thuận.

“Pháp, Đức và Anh lưu ý rằng Mỹ đã không còn là một thành viên của thỏa thuận sau khi họ rút khỏi thỏa thuận ngày 8-5-2018. Chúng tôi vẫn gắn kết với thỏa thuận bất kể các thách thức nghiêm trọng xuất hiện từ việc Mỹ rút đi. Chúng tôi tin cần phải giải quyết vấn đề Iran không tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận thông qua đối thoại giữa các thành viên” – hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của ba nước châu Âu.

Các nước châu Âu trong HĐBA lập luận rằng Mỹ đã từ bỏ quyền thành viên của mình vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018 và tái áp đặt trừng phạt của Mỹ lên Iran, một phần trong chiến lược “tối đa hóa áp lực” lên thể chế Iran.

Cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thậm chí còn gọi nỗ lực của Mỹ là “lố bịch”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận thì không có quyền gì đòi khôi phục trừng phạt LHQ với Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Iran ngày 23-1-2016. Ảnh: STR/AFP/GETTY IMAGES

Về phía Iran, ngày 20-8 Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif cũng viết trên Twitter rằng nỗ lực của Mỹ nhằm kéo dài cấm vận vũ khí Iran là “bất hợp pháp và ác độc”.

Sự tồn tại của thoả thuận bị đe doạ

Muốn kích hoạt cơ chế  "snapback" là một động thái nghiêm trọng và Mỹ chưa từng đi bước này trước đây.

Bước đi này đến sau khi Mỹ phải hứng chịu sự thất bại nặng nề tại HĐBA tuần trước khi không thể vận động đủ sự ủng hộ để có được một nghị quyết khôi phục lệnh cấm vận vũ khí với Iran vốn sẽ hết hạn vào ngày 18-10 tới.

Nói với AFP, chuyên gia Ellie Geranmayeh chuyên nghiên cứu về Iran tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng “không nghi ngờ gì chính phủ ông Trump sử dụng tiến trình "snapback" như một bước cờ liều lĩnh cuối cùng để phá bỏ thỏa thuận trước khi bầu cử Mỹ bắt đầu”.

Bước đi Mỹ làm trầm trọng hơn sự chia rẽ giữa Washington với các nước thành viên thường trực HĐBA khác về chính sách Iran, vốn đã xuất hiện từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018.

Nhà báo đến khu phức hợp nước nặng Arak – một nguồn plutonium ở nhà máy hạt nhân Arak của Iran, năm 2019. Ảnh: AP

Cơ chế "snapback" này không chỉ nhằm khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran đang bị phong tỏa mà còn đe dọa sẽ phá hủy thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các nước P15+1 khác (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) đang cố gắng bảo vệ.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cơ chế "snapback" này đe dọa đưa HĐBA vào khủng hoảng, cũng như đặt câu hỏi về tính hợp pháp các nghị quyết của tổ chức này.

“Bước đi này sẽ đưa HĐBA LHQ vào mớ hỗn độn lớn, với sự đấu đá giữa các cường quốc thế giới về chuyện liệu các lệnh trừng phạt Iran của LHQ có được khôi phục hay không” – theo chuyên gia Geranmayeh.

Nhiều chuyên gia dự đoán viễn cảnh sắp tới có thể là Mỹ sẽ hành động như thể các lệnh trừng phạt quốc tế với Iran đã được khôi phục, còn phần còn lại của HĐBA thì vẫn sẽ giữ thái độ và hành động như trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm