Ngày 9-8 theo lệnh của tòa án Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã thu hồi lệnh cấm đối với việc "phổ biến thông tin có thể khiến mọi người sợ hãi" trong mùa dịch, tờ Bangkok Post đưa tin.
Thông báo thu hồi lệnh cấm, được công bố trên báo Royal Gazette hôm 10-8, trích dẫn quyết định của tòa án dân sự rằng tạm thời hạn chế việc thực thi lệnh cấm của ông Prayut và kết luận rằng lệnh cấm đã bị thu hồi vào ngày 9-8.
Theo thông báo, các quan chức nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát tình hình COVID-19 có thể sử dụng các quy định khác để đối phó tình trạng thông tin sai lệch đang cản trở công việc của họ.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: REUTERS
Theo kênh Channel News Asia, tòa án Dân sự ở Bangkok hôm 6-8 đã ra quyết định ngừng thực thi lệnh cấm do Thủ tướng Prayut ban hành ngày 29-7, trong đó “cấm việc phổ biến tin tức hoặc nội dung có thể khiến công chúng sợ hãi hoặc bóp méo thông tin và có thể gây ra sự hiểu lầm trong thời gian khẩn cấp và ảnh hưởng an ninh, hòa bình và trật tự quốc gia”.
Theo lệnh cấm của Thủ tướng Prayut, trong trường hợp vi phạm quy định, thủ tướng ủy quyền cho Văn phòng Ủy ban Viễn thông và Phát thanh Quốc gia (NBTC) thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet yêu cầu chặn nội dung được đề cập. NBTC cũng được yêu cầu thông báo cho cảnh sát để có biện pháp pháp lý.
Quyết định của tòa án nêu rõ thuật ngữ "phổ biến thông tin có thể khiến mọi người sợ hãi" là “quá mơ hồ và rộng rãi”, và dẫn đến việc “tước đoạt các quyền và tự do của người dân một cách không cần thiết”, theo Bangkok Post.
Ngoài ra, tòa án cho rằng việc yêu cầu tạm dừng các dịch vụ Internet là trái với luật pháp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy cập Internet trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
“Hơn nữa, Điều khoản như vậy không chỉ giới hạn ở việc đình chỉ cung cấp dịch vụ internet trong một hành động cụ thể, mà mở rộng việc đình chỉ đó sang một hành vi trong tương lai” - tòa án cho biết trong thông cáo báo chí.
“Kết quả là, Điều khoản như vậy cản trở việc truyền thông và phổ biến thông tin không có mục đích xấu” – thông cáo báo chí nêu.
Quyết định của tòa được đưa ra sau khi 12 phương tiện truyền thông trực tuyến và các luật sư nhân quyền tại Thái Lan hôm 2-8 đã đệ đơn lên tòa án dân sự bày tỏ sự phản đối và yêu cầu thu hồi lệnh cấm của Thủ tướng Prayut, cho rằng lệnh cấm của thủ tướng “đe dọa việc sự đưa tin chính xác của các phương tiện truyền thông và quyền tự do ngôn luận”.
Trong khi đó, phe đối lập đang kiến nghị Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia (NACC) có hành động đối với việc ông Prayut ban hành quy định trên.
Bangkok Post dẫn lời người đứng đầu phe đối lập Sutin Klungsang cho biết đang kiến nghị NACC điều tra quyết định của ông Prayut và chuyển vụ việc đến Bộ phận Hình sự của Tòa án Tối cao dành cho những người nắm giữ các vị trí chính trị cùng với yêu cầu luận tội Thủ tướng Prayut.
Ông Sutin cho biết nếu tòa án chấp nhận vụ việc để xét xử, ông Prayut sẽ phải từ chức ngay lập tức, ít nhất là tạm thời, với tư cách là thủ tướng.
Các phương tiện truyền thông tham gia Liên minh Luật sư Nhân quyền ký vào bản kiến nghị bao gồm: The Reporters, VoiceTV, The Standard, The Momentum, The Matter, Prachatai, Dem All, The People, Way Magazine, Echo và Plus Seven.