Từ tháng 9-2017 đến nay, quân đội Mỹ ghi nhận có đến 20 sự cố máy bay Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương bị bắn tia laser gây mù, CNN dẫn thông tin từ một quan chức quân đội Mỹ. Không có sự cố nào dẫn đến thương tích.
Tiêm kích FA-18 Super Hornet được chụp từ máy bay tiếp liệu trên không KC-135 Stratotanker trong cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật trên biển Đông năm 2010. Ảnh: CNN
Sự cố mới nhất xảy ra trong vòng hai tuần trở lại đây. Địa điểm xảy ra là trong và xung quanh biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc. Báo chuyên ngành hàng không Mỹ Aviation Week & Space Technology dẫn lời một người phát ngôn Thủy quân lục chiến Mỹ nói các vụ tấn công bằng tia laser gây mù xuất phát từ “nhiều nguồn khác nhau, cả trên bờ và cả từ tàu cá”.
Vùng biển Hoa Đông rất sôi động với nhiều tuyến đường vận tải biển, được cả tàu quân đội và dân sự cả Trung Quốc và Nhật khai thác. Ngoài ra còn có một lực lượng “bán tự trị” dân quân hàng hải tuần tra bảo vệ quyền lợi Trung Quốc ở khu vực.
Căng thẳng tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật ở khu vực này rất lớn. Tháng 2 năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật và tuyên bố lãnh thổ của Nhật ở biển Hoa Đông.
Vụ việc tương tự với các sự cố xảy ra với máy bay Mỹ ở Djibouti (Đông Phi) đầu năm nay, tia laser gây mù dùng cho quân sự làm các phi công bị thương.
Trong một báo cáo năm 2015, PLA Daily của quân đội Trung Quốc nói “vài năm nay Trung Quốc đã nâng cấp các vũ khí laser gây mù tự làm để đáp ứng nhu cầu các chiến dịch chiến đấu khác nhau”.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều ký nghị định về vũ khí laser gây mù, cấm sử dụng vũ khí laser gây mù như một phương tiện hay biện pháp trong chiến tranh.
Chưa biết tia laser gây mù dùng trong các sự cố ở Thái Bình Dương là dạng dùng cho quân sự hay thương mại, tuy nhiên dù dạng nào cũng gây nguy hiểm cho phi công. Ở Mỹ, bắn tia laser gây mù vào máy bay là một tội nặng, phải được xét xử theo luật liên bang.