Lũ lụt theo mùa xảy ra hằng năm tại Trung Quốc, đặc biệt là ở những khu vực miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, đợt lũ năm nay lại bất thường và nghiêm trọng.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, do lũ lụt, Trung Quốc đã buộc sơ tán 1,8 triệu người tại 24 tỉnh thành, chủ yếu là ở phía Nam.
Bộ Quản lý Khẩn Cấp Trung Quốc ước tính thiệt hại trực tiếp do lũ lụt là hơn 49 tỉ nhân dân tệ (7 tỉ USD). Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 22-7 cho biết Bộ Tài chính Trung Quốc đã phân bổ 830 triệu nhân dân tệ (118 triệu USD) để giúp 12 tỉnh gặp khó khăn do lũ lut khôi phục sản xuất nông nghiệp, sửa chữa công trình thủy lợi và thực hiện công việc tái thiết.
Cảnh báo thêm thảm họa
Các khu vực của Trung Quốc như tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam và Cam Túc ở Tây Bắc đang có nguy cơ cao hứng chịu thiên tai trong những ngày tới sau khi nhà chức trách dự báo có thêm một đợt mưa lớn nữa.
Lực lượng an ninh cạnh các túi cát ở hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, ngày 23-7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết các khu vực bờ biển phía Đông, gồm khu vực Vịnh Bột Hải, Sơn Đông và tỉnh Giang Tô cũng đối mặt với những trận mưa bão.
Các TP cảng như Thanh Đảo, Nhật Chiếu ở bờ biển phía Đông là những nơi mới nhất chứng kiến lượng mưa hàng ngày kỷ lục hôm 22-7. Các tỉnh Giang Tây và An Huy trên sống Dương Tử đã ban hành cảnh báo đỏ vào sáng 23-7.
Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cho biết 93 con sông vẫn trên mức cảnh báo. Bộ này cho biết thêm đập Tam Hiệp – đập lớn nhất Trung Quốc vẫn cần được giám sát chặt chẽ khi nước lũ dâng cao.
“Tình hình kiểm soát lũ lụt hiện tại vẫn nghiêm trọng và dù thế nào đi nữa cũng không thể được lơ là” – Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cho biết.
Sơ tán hàng chục ngàn người
Các khu vực trên khắp Trung Quốc đã được lệnh sơ tán khẩn cấp do sạt lở, vỡ bờ sông và lũ trên núi.
Theo kênh Al Jazeera, Trung Quốc đã sơ tán hàng chục ngàn người tại các tỉnh An Huy và Hồ Bắc trong bối cảnh lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở đất do mưa lớn gây ra.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân bị ảnh hưởng do lũ ở Funan, tỉnh An Huy. Ảnh: REUTERS
Tại tỉnh An Huy, lực lượng cứu hộ đã sơ tán 16.000 người khỏi thị trấn Guzen sau nhiều tuần mưa lớn khiến một con sông gần đó tràn bờ, Mạng lưới truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN) cho biết hôm 22-7.
Lũ lụt đã làm ngập 13 ngôi làng và toàn bộ khu vực mất điện, CGTN cho biết.
Tại tỉnh Hồ Bắc thuộc miền Trung Trung Quốc, hơn 8.000 người đã được sơ tán sau một vụ sạt lở tạo nên đập chắn có nguy cơ nhấn chìm TP Enshi và các ngôi làng xung quanh, theo CGTN.
Sạt lở xảy ra hôm 21-7 khi 1,5 triệu m3 đất đổ xuống một nhánh của sông Dương Tử gần TP Enshi, Tân Hoa Xã dẫn lời nhà chức trách địa phương cho biết.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc hôm 22-7 khôi phục báo động vàng do tình hình mưa lũ trên khắp đất nước. Trung tâm này cảnh báo các quan chức địa phương cảnh giác với lũ lụt và lở đất trong những ngày sắp tới.
Theo dõi chặt mực nước ở đập Tam Hiệp
Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cho biết cần phải theo dõi mực nước ở đập Tam Hiệp – nơi chứa lượng nước khổng lồ nhằm giảm bớt nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu. Mực nước ở đập Tam Hiệp hiện cao hơn 16 m so với mực nước cảnh báo chính thức của đập.
Các con đập lớn của Trung Quốc, vốn được thiết kế để kiểm soát lũ và phát điện, đã thu hút sự chú ý của quốc tế trong những tuần gần đây, theo Al Jazeera.
Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử xả nước để hạ thấp mực nước trong hồ sau mưa lớn và lũ lụt tại một số khu vực. Ảnh: CHINA DAILY/ REUTERS
Các quan chức Trung Quốc đề cao vai trò của đập trong việc ngăn lũ, nhưng giới phê bình cho rằng những con đập này không những không chống đỡ được thời tiết cực đoan mà còn giảm khả năng lưu trữ nước lũ.
Ông Darrin Magee, Giáo sư chuyên về các vấn đề về nước của Trung Quốc tại ĐH Hobart and William Smith nhận định rằng các con đập chặn dòng trầm tích trên sông, đồng thời làm giảm khả năng hấp thụ nước của các vùng đồng bằng và vùng đất ngập nước ven sông ở hạ lưu.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Magee nói rằng nhu cầu phát điện cũng có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát lũ. Chuyên gia này giải thích kiểm soát lũ đòi hỏi phải giữ nước, trong khi sản xuất điện cần xả nước.