Hôm 26-2, Ukraine cho biết nước này ghi nhận mức độ bức xạ hạt nhân tăng lên từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hiện không còn hoạt động, sau khi lực lượng Nga điều quân chiếm giữ địa điểm này, hãng tin Reuters cho hay.
Một cố vấn của Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết nhà máy điện hạt nhân đã bị lực lượng Nga chiếm giữ hôm 24-2 sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine.
Nguyên nhân và ảnh hưởng của việc lượng bức xạ hạt nhân tăng lên ở khu vực này vẫn chưa được thống nhất.
Cụ thể, các chuyên gia tại cơ quan hạt nhân nhà nước Ukraine cho biết nguyên nhân mức bức xạ hạt nhân tăng lên là do các thiết bị quân sự hạng nặng di chuyển khiến bụi phóng xạ bốc vào trong không khí.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bức xạ tại địa điểm này không gây nguy hiểm cho người dân.
Cơ quan IAEA cho biết: "Các chỉ số được cơ quan quản lý báo cáo lên đến 9,46 microSieverts mỗi giờ. Chỉ số này thấp và vẫn đo được chỉ số này trong khu vực loại trừ kể từ khi nhà máy được thành lập”.
Sievert (Sv) là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa gây tổn hại.
Ảnh chụp từ trên cao toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Trong đó lò phản ứng thứ 4 bị nổ năm 1986 đã được bọc lại. Ảnh: REUTERS
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nói thêm điều quan trọng là các hoạt động an toàn và bảo mật của các cơ sở hạt nhân trong khu vực loại trừ này không được bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn vì bất cứ lý do gì.
Cơ quan giám sát hạt nhân độc lập có trụ sở tại Pháp CRIIRAD cho biết trong một thông báo hôm 25-2 rằng cơ quan này đang cố gắng xác minh và kiểm tra chéo thông tin tại phòng thí nghiệm của mình.
CRIIRAD cho biết: “Nếu tỷ lệ bức xạ được ghi nhận tương ứng với giá trị thực tế thì tình hình là cực kỳ đáng lo ngại”.
Người phát ngôn của CRIIRAD Bruno Chareyron cho biết một trong những lý do làm tăng mức độ phóng xạ là do bụi bốc lên từ các hoạt động quân sự hoặc có thiệt hại ở các cơ sở hạt nhân như nơi chứa chất thải hoặc hầm chứa hạt nhân. Hoặc một khả năng khác là các dữ liệu thu được không chính xác do bị can thiệp từ các cuộc tấn công mạng.
Theo CRIIRAD, khu vực này có nhiều cơ sở vật chất có nguy cơ rò rỉ phóng xạ cao, bao gồm những nơi xử lý và lưu trữ chất thải phóng xạ và hầu hết chúng đều không được đảm bảo an toàn.
Cơ quan giám sát này còn cho biết các lò phản ứng khác ở Ukraine cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố. Mặc dù có thể giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn bằng cách đóng cửa các lò phản ứng nhưng hiện Ukraine phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân cho hơn 50% nguồn cung điện của mình.
Nhà máy Chernobyl dù không hoạt động kể từ sau thảm hoạ hạt nhân 1986 nhưng vẫn còn phóng xạ và nhà máy này nằm cách thủ đô Kiev khoảng 100 km.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu hôm 25-2 cho biết cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà máy không bị hư hại và công việc bảo trì thiết yếu vẫn đang được tiến hành.
Ba Lan - nước láng giềng của Ukraine cho biết hiện tại, nước này không ghi nhận bất kỳ sự gia tăng nào về mức độ bức xạ trên lãnh thổ của mình.