Cuối tháng 5-2019, Giám đốc điều hành của tập đoàn Intel và Xilinx đã tham dự cuộc họp Bộ Thương mại Mỹ, thảo luận về phản ứng đối với việc Huawei bị Chính phủ Tổng thống Trump liệt vào danh sách đen cấm giao dịch với tập đoàn này.
Phía Công ty Qualcomm cũng âm thầm thúc ép Bộ Thương mại về vấn đề này.
Theo các nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, các sản phẩm bán cho Huawei sử dụng trong điện thoại thông minh hoặc các server máy chủ đều là sản phẩm có sẵn và hầu như khó có thể gây ra mối nguy hại an ninh.
“Đây không phải là giúp Huawei, mà đây là ngăn chặn những ảnh hưởng lớn đến các công ty Mỹ”, Reuters trích dẫn lời từ một đại diện hãng này.
Được biết, năm 2018, Huawei đã chi 70 tỉ USD mua các linh kiện, trong đó, Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc đã nhận khoảng 11 tỉ USD trong các giao dịch mua các thiết bị tử từ gã khổng lổ Huawei.
Qualcomm vẫn muốn tiếp tục giao dịch mua bán chip điện tử trên các thiết bị phổ biến như điện thoại và đồng hồ thông minh của Huawei.
Các nhà sản xuất chip hàng đầu đang vận động chính phủ Mỹ tìm cách xóa bỏ lệnh cấm giao dịch với Huawei. Ảnh: internet
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) thừa nhận họ đã đại điện các công ty sản xuất linh kiện, sắp xếp các cuộc tham vấn với chính phủ Mỹ để bày tỏ sự tuân thủ, cũng như trình bày về tác động của lệnh cấm đối với họ.
“Đối với các thiết bị công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, chúng không nên nằm trong giới hạn cấm giao dịch. Và chúng tôi đã truyền đạt quan điểm này đến chính phủ”, Phó chủ tịch chính sách toàn cầu của SIA, Keith Goodrich, cho biết.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Bộ này liên tục phải phản hồi về các yêu cầu pháp lý của các công ty.
Vị này nói thêm rằng các cuộc đối thoại hay thỏa luận không ảnh hưởng đến các hành động thực thi pháp luật.
Hãng Intel, Xilinx và Qualcomm từ chối đưa ra bình luận.
Về phần mình, Phó chủ tịch bộ phận quan hệ công chúng Huawei, Andrew Williamson, cho biết công ty không yêu cầu ai đặc biệt thay mặt mình để vận động hành lang nhằm xỏa bỏ lệnh cấm.
Huawei cho rằng các công ty Mỹ làm điều này bởi “đó là mong muốn của riêng họ vì Huawei là một trong những khách hàng lớn của các công ty Mỹ”.
Ông Williamson nhấn mạnh các nhà sản xuất Mỹ đều thấy rằng việc cắt đứt quan hệ với Huawei có thể gây ra hậu quả “thảm khốc” cho họ.
Các sếp lớn Huawei cho rằng tập đoàn này không yêu cầu ai để vận động hành lang nhằm xóa bỏ lệnh cấm. Ảnh: Bloomberg
Bản thân Huawei cũng đã thực hiện rất ít việc vận động ở Washington về vấn đề này và cũng đã cân nhắc việc gửi thư đến Bộ Thương mại, theo Reuters.
“Đơn giản là chúng tôi không có kênh liên lạc nào”, Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei Lương Hoa cho biết như vậy vào hồi đầu tháng 6-2019.
Đã hơn một tháng sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei vẫn chưa liên lạc hay có động thái gì với chính phủ Mỹ về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Reuters, Huawei đã phát động một cuộc chiến pháp lý mạnh mẽ và mở chiến dịch PR (quan hệ công chúng) để tự bảo vệ mình trước các cáo buộc từ Mỹ.