WHO: Biến chủng Delta sẽ thống trị thế giới trong vài tháng tới

Ngày 21-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành chủng trội những tháng tới, hãng tin AFP đưa tin .  

Biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, hiện đã được ghi nhận ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhiều hơn 13 so với tuần trước. WHO cho biết nó đã chiếm hơn 3/4 số mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen ở những quốc gia lớn.

“Dự báo nó sẽ nhanh chóng vượt trội hẳn so với các biến chủng khác và thống trị trong vài tháng tới” - WHO cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần.

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ba biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 thuộc nhóm gây lo ngại (VOCs) là Alpha, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, xuất hiện ở 180 vùng lãnh thổ; Beta, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, xuất hiện ở 130 vùng lãnh thổ; Gamma, được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil, xuất hện ở 78.

Theo AFP, trong bốn tuần tính đến ngày 20-7, tỷ lệ mắc bệnh do nhiễm biến chủng Delta đã vượt quá 75% ở một số quốc gia.

WHO cho biết rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự gia tăng khả năng lây nhiễm của biến thể Delta so với các biến thể khác không nằm trong nhóm VOCs. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc gia tăng khả năng lây nhiễm này là do cơ chế chính xác nào gây ra.

Theo WHO, số ca COVID-19 trên toàn cầu tăng là do 4 yếu tố, bao gồm việc có nhiều biến chủng dễ lây truyền hơn, việc nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, việc gia tăng tương tác xã hội và số lượng lớn người dân vẫn chưa được tiêm chủng. 

Theo WHO, tính đến ngày 18-7, có 3,4 triệu ca nhiễm COVID-19 mới theo tuần được ghi nhận trên toàn thế giới, tăng 12% so với tuần trước. WHO cho rằng với tốc độ này, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới có thể vượt quá 200 triệu ca trong vòng ba tuần tới. 

Trước đó, ngày 20-7, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), có trụ sở ở Washington D.C. đã ước tính rằng số người chết do COVID-19 ở Ấn Độ trên thực tế cao gấp 10 lần so với con số được báo cáo chính thức, rơi vào khoảng 3,4 triệu đến 4,7 triệu người, tính đến tháng 6-2021.

Theo AFP, vào ngày 21-7, các quốc gia ghi nhận có số ca mắc mới cao nhất thế giới là Indonesia với 350.273 ca , Anh với 296.447 ca và Brazil với 287.610 ca.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm