Hãng Reuters đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18-10 đã yêu cầu công ty Bharat Biotech của Ấn Độ cung cấp thêm dữ liệu để xem xét đề nghị về việc đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược này vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Theo đó, WHO cho biết tổ chức không thể "đốt cháy giai đoạn" trong quá trình đưa ra quyết định.
WHO nói không 'đốt cháy giai đoạn' duyệt sử dụng khẩn cấp với vaccine Covaxin. Ảnh: REUTERS
Bharat Biotech – công ty sản xuất vaccine Covaxin - bắt đầu chia sẻ dữ liệu với WHO từ đầu tháng 7.
Vaccine Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ vào tháng 1, thậm chí trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối, sau đó cho thấy hiệu quả 78%.
Nếu không được WHO chấp thuận, Covaxin khó có thể được chấp nhận là loại vaccine hợp lệ trên toàn thế giới và có thể gây khó khăn cho kế hoạch đi lại trong, ngoài nước của hàng chục triệu người Ấn Độ đã tiêm loại vaccine này.
Covaxin chiếm 11% trong tổng số 985,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tại Ấn Độ cũng như đã được xuất khẩu.
Chia sẻ trên trang Twitter hôm 18-10, WHO cho biết: "Chúng tôi biết rằng nhiều người đang chờ đợi khuyến nghị của WHO về việc đưa Covaxin vào Danh sách sử dụng khẩn cấp # COVID19, nhưng chúng tôi không thể đốt cháy giai đoạn".
"Trước khi đề xuất một sản phẩm để sử dụng khẩn cấp, chúng tôi phải đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo rằng sản phẩm đó an toàn và hiệu quả" – tổ chức này cho hay.
WHO cho biết đã mong đợi "một thông tin bổ sung từ công ty ngày hôm nay", song không nêu cụ thể.
Bharat Biotech chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên. Hãng dược này được cho là đang phải xoay xở để đáp ứng các mốc thời gian sản xuất đối với vaccine Covaxin.
Reuters dẫn lời bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của WHO – hôm 18-10 cho biết nhóm cố vấn kỹ thuật của họ sẽ họp vào ngày 26-10 tới để xem xét việc phê duyệt Covaxin.
Bà Swaminathan cho biết mục tiêu của WHO là "có một danh mục vaccine đa dạng được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và mở rộng khả năng tiếp cận của người dân ở khắp mọi nơi".
Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, với khả năng sản xuất hơn 3 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi năm, chủ yếu là vaccine của hãng AstraZeneca.