Hai đền thờ Masjid al Noor và Deans Ave bị các tay súng xông vào xả đạn, bắn giết hàng loạt. Các nhà chức trách New Zealand thống kê có đến 49 người chết và số người chết có thể sẽ còn tăng vì còn khoảng 50 người đang nguy kịch.
Cảnh sát cho biết vụ tấn công đã được lên kế hoạch rất kỹ, các đền thờ ở New Zealand đang được cảnh sát bảo vệ rất kỹ. Cảnh sát đã tìm thấy và vô hiệu hóa một số quả bom đặt trong các ô tô của những kẻ tấn công. Trước thời điểm xảy ra xả súng, một tài khoản mạng xã hội được cho là của một trong những tay súng đưa một đường link dẫn tới một bản tuyên ngôn 87 trang đầy tư tưởng chống nhập cư, chống Hồi giáo.
Có vẻ một trong những tay súng đã tường thuật hình ảnh trực tiếp vụ xả súng lên mạng xã hội. Đoạn video này đã được xóa khỏi tài khoản này và cảnh sát yêu cầu mọi người không chia sẻ thêm.
Đất nước yên bình New Zealand vừa xảy ra thảm họa xả súng kinh hoàng nhất trong lịch sử. Ảnh: REUTERS
Vài tiếng sau khi sự việc xảy ra, cảnh sát thông báo đã bắt được bốn nghi can gồm ba nam giới và một phụ nữ. Trong số này có một công dân Úc và là người chính sách cánh hữu. Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận ít nhất một trong những kẻ tấn công là công dân Úc. Cảnh sát cho biết một trong bốn nghi can đã bị truy tố tội giết người và sẽ ra tòa trong hôm nay, 16-3.
Xả súng hàng loạt hiếm khi xảy ra ở New Zealand, vốn được biết đến là một đất nước yên bình. Tỉ lệ giết người ở New Zealand thuộc hàng thấp, tổng cộng có 35 người bị giết trong năm 2017, thấp hơn cả số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa xả súng ngày 15-3.
Sự kiện ngày 15-3 là thảm họa xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước này. Trước đó, thảm họa xả súng rúng động nhất New Zealand xảy ra 30 năm trước: Tay súng tâm thần David Gray xả súng hàng loạt, giết chết 13 người tại thị trấn Aramoana ở South Island.
Chính Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chiều 15-3 đã mô tả sự việc như là “một trong những ngày đen tối nhất New Zealand”, nhấn mạnh “những gì đã xảy ra là một hành động bạo lực kinh hoàng và chưa có tiền lệ”.
Theo nhiều nhà quan sát, chắc chắn sau thảm họa này, luật sở hữu súng New Zealand thông qua lần đầu tiên năm 1983 sẽ được xem xét lại. New Zealand từng siết luật sở hữu súng theo hướng hạn chế sở hữu súng trường bán tự động vào năm 1992, hai năm sau khi xảy ra vụ xả súng làm 13 người chết.
Tuy nhiên, luật sở hữu súng hiện tại của New Zealand cũng khá thoải mái. Bất cứ ai trên 16 tuổi đều có quyền nộp đơn xin cấp phép sở hữu súng tiêu chuẩn. Sau khi vượt qua một khóa huấn luyện an toàn của cảnh sát, họ được phép mua và sử dụng một súng ngắn mà không qua giám sát. Cảnh sát New Zealand ước tính con số súng hiện lưu thông cả hợp pháp và trái phép ở nước này khoảng 1,2 triệu khẩu.