Quỹ bình ổn còn 7.400 tỉ, sao không chi để hạ giá xăng?

(PLO)- So với cách đây bốn tháng, giá xăng dầu đã tăng rất mạnh. Mỗi lít xăng tăng thêm gần 4.000 đồng, dầu tăng 6.000 đồng.

Chiều 21-9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, dù được chi quỹ bình ổn 300 đồng/lít (trừ dầu mazut) nhưng mỗi lít xăng E5 vẫn tăng thêm 726 đồng, A95 tăng thêm 877 đồng; dầu diesel cũng tăng 539 đồng/lít, dầu hoả tăng 628 đồng/lít, dầu mazut tăng 143 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 đã nhích lên 24.197 đồng/lít, xăng A95 tiến sát mốc 26.000/lít, dầu diesel 23.594 đồng/lít, dầu hoả 23.816 đồng/lít, dầu mazut 17.847 đồng/kg.

So với cách đây bốn tháng, tính từ thời điểm điều hành giá ngày 1-6, giá xăng E5 đã tăng 3.319 đồng/lít; xăng A95 tăng 3.733 đồng/lít; dầu diesel tăng 5.651 đồng/lít; dầu hoả tăng 6.045 đồng/lít; dầu mazut tăng thêm 2.961 đồng/kg.

anh_xang-dau_phi-hung.jpeg
So với cách đây bốn tháng, giá xăng tăng gần 4.000 đồng, dầu tăng gần 6.000 đồng. Ảnh: PHI HÙNG

Nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao cơ quan điều hành không chi mạnh quỹ để bình ổn đà tăng của giá xăng dầu? Theo tìm hiểu, hiện nay, việc trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính.

Theo Thông tư này thì trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá kỳ trước liền kề thì không chi sử dụng quỹ, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân.

Nếu yếu tố cấu thành giá cơ sở kỳ công bố tăng từ 7-10% so với kỳ trước liền kề thì quyết định mức chi phù hợp diễn biến thị trường. Nếu giá tăng trên 10% thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Tại kỳ điều hành chiều 21-9, chia sẻ với báo chí, Bộ Công Thương cho biết dù giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ này có chênh lệch cao hơn từ 2 đến gần 4,6% so với kỳ trước liền kề, không thuộc trường hợp chi sử dụng quỹ bình ổn. Tuy nhiên để kiềm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn báo cáo Thủ tướng xin ý kiến. Cũng vì vậy mà thời gian điều hành giá bị muộn hơn so với thông thường, lùi từ 15 giờ xuống 16 giờ.

Thống kê hoạt động trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bốn tháng qua cho thấy, mức trích lập vào quỹ với xăng E5 ở mức 719 đồng/lít, mức chi sử dụng quỹ là 322 đồng/lít; với xăng A95 mức trích lập vào quỹ là 619 đồng/lít, mức chi sử dụng quỹ là 314 đồng/lít.

Riêng các mặt hàng dầu, mức trích lập vào quỹ với dầu diesel là 600 đồng/lít, mức chi sử dụng quỹ là 700 đồng/lít; dầu hoả trích lập 600 đồng, chi sử dụng 600 đồng; dầu mazut trích lập 500 đồng, chi sử dụng 177 đồng. Hiện số dư quỹ bình ổn còn khoảng hơn 7.400 tỉ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Quỹ Bình ổn giá chỉ nên được sử dụng trong trường chúng ta dự báo rằng giá dầu sẽ tăng đột biến. Vì mức tăng giá vẫn ổn định trong mức bình thường, không quá cao, và tác động tới sản xuất cũng ở mức vừa phải. Nếu tăng vọt lên đột biến thì có thể xem xét để can thiệp. Hơn nữa với số dư quỹ bình ổn hiện nay chỉ còn khoảng hơn 7.400 tỉ đồng, không nhiều”.

Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu không thể hiện được hiệu quả như mong muốn và đề xuất bỏ quỹ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Tốt nhất là bỏ quỹ bình ổn, vì quỹ này không có tác động tích cực gì lên giá, chỉ làm giá xăng dầu trong nước thêm biến động, tạo cơ chế xin - cho, tham nhũng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm