Quy định mới của Bộ Chính trị về xử lý cán bộ vi phạm mà không nhận trách nhiệm

(PLO)- Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm ba bước, thời gian kiểm tra không quá 180 ngày, trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 60 ngày.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quyết định 139 về quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 4-1-2024 và thay thế Quyết định 173/2008 của Bộ Chính trị về cùng nội dung, trong đó nêu rõ quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm ba bước là bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc.

Thời gian kiểm tra không quá 180 ngày

Theo đó, bước chuẩn bị đầu tiên là thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương căn cứ chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề cương báo cáo kết quả tự kiểm tra của đối tượng kiểm tra.

Kế đến, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra. Căn cứ tính chất, nội dung kiểm tra để quyết định thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra. Đồng thời, phân công Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn kiểm tra.

Thời gian kiểm tra không quá 180 ngày, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian nhưng không quá 60 ngày.

Quy định mới của Bộ Chính trị: Cán bộ vi phạm mà không nhận trách nhiệm, xử lý ra sao?
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra 889 của Bộ Chính trị, chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra về công tác cán bộ với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, hồi tháng 9-2023. Ảnh: Noichinh.vn

Sau đó, đoàn kiểm tra dự kiến lịch làm việc của đoàn, nội quy hoạt động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn kiểm tra, chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan. Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

Ở bước tiến hành, đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch làm việc với đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên (nếu đối tượng kiểm tra là đảng viên). Đối tượng kiểm tra được yêu cầu chuẩn bị báo cáo theo đề cương gợi ý, cung cấp hồ sơ, tài liệu; chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.

Đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo tự kiểm tra bằng văn bản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua đoàn kiểm tra).

Sau khi đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh, làm việc với đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra (tổ chức đảng là đối tượng kiểm tra hoặc quản lý trực tiếp đảng viên được kiểm tra chủ trì và ghi biên bản hội nghị).

Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra trình Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua UBKT Trung ương).

Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư giao UBKT Trung ương tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng gửi dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư theo Quy chế làm việc.

Cán bộ vi phạm phải kỷ luật thì xử lý ra sao?

Ở bước kết thúc, quyết định nêu rõ sẽ tổ chức hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận. Thành phần tham dự gồm các Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư, đại diện đoàn kiểm tra, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương của Đảng và tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

UBKT Trung ương báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, ý kiến của đối tượng kiểm tra và các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan, sau đó hội nghị thảo luận, kết luận.

Trường hợp kết luận đối tượng kiểm tra vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật và tự giác kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật thì Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc báo cáo Trung ương Đảng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì kiểm tra hoặc chỉ đạo UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Tiếp đó, đại diện Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông báo hoặc ủy quyền cho đoàn kiểm tra thông báo kết luận kiểm tra đến đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ theo quy định. Cuối cùng, UBKT Trung ương được giao đôn đốc, giám sát đối tượng kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm