Chiều nay, 7-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng: Điều 57 của dự luật quy định về việc nổ súng cần phải chi tiết hơn.
Ông Cầu lý giải: Súng quân dụng có tính sát thương rất mạnh, người sử dụng ở thế thượng phong và các chiến sĩ công an, quân đội là những người nhà nước giao sử dụng vũ khí để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị quy định rõ hơn những trường hợp nổ súng mà không cần cảnh báo. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi các chiến sĩ vừa phải thành thạo kỹ thuật vừa phải nắm được các quy định về nổ súng, nếu không sẽ đối mặt với những tội danh được quy định tại BLHS như: giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, giết người khi thi hành công vụ. Nhiều sĩ quan không nắm vững quy định thì không dám nổ súng” - ông Cầu nói.
Theo đại biểu Cầu, ông đã từng bị một số phóng viên và tỉnh ủy viên Nghệ An hỏi: “Sao dám dùng đạn khói tấn công nhân dân”. Ông Cầu đã trả lời rằng: Ranh giới người tốt và người xấu rất mong manh. “Việc tấn công là để ngăn chặn các hành vi phạm tội chứ không phải nhắm đến nhân dân” - ông Cầu nói.
Bởi thế, ông Cầu cho rằng: Điều 21 của dự thảo vẫn còn dài, một số nội dung chưa rõ. Chẳng hạn khoản 3 của điều luật này quy định rằng: Trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo. “Vậy chỉ thiên có phải nổ súng không? Nổ súng là cảnh báo hay chỉ thiên?” - ông Cầu đặt vấn đề.
Đồng ý rằng dự thảo chỉ cần quy định nguyên tắc chung về nổ súng nhưng ông Cầu đề nghị quy định thêm những trường hợp được nổ súng như khi: phòng vệ chính đáng, bắt giữ tội phạm và theo lệnh chỉ huy, cũng như việc nổ súng sau khi cảnh báo.
“Luật cũng cần làm rõ những trường hợp nào là không vượt quá mức cần thiết. Đồng thời, cần phải cho người thi hành công vụ được phép nổ súng tấn công để ngăn chặn khủng bố, cướp chính quyền…" - ông Cầu nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng ý với đại biểu Cầu khi cho rằng cần quy định rõ hơn về đối tượng được nổ súng, đối tượng mà người thi hành công vụ được phép nổ súng, cần quy định chi tiết hơn.
Ông Chính còn cho rằng: Nguyên tắc không được nổ súng vào phụ nữ là không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới và nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Ông Chính cũng lo ngại rằng: Nếu liệt kê các đối tượng không được nổ súng như trong dự luật sẽ khiến người nổ súng khó thi hành nhiệm vụ, vì sẽ không thể biết được đâu là tội phạm nghiêm trọng, đâu là tội phạm ít nghiêm trọng.