Sáng 17-10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính. Nội dung được VCCI lấy ý kiến đóng góp trong hội thảo, gồm: Chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập và quản lý thuế.
Sàn khai, nộp thuế thay người bán
Theo kế hoạch, dự thảo luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý thuế, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21-10-2024.
Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4, điều 42 Luật Quản lý thuế theo hướng: các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ chịu trách nhiệm kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn này.
Tại hội thảo, ông Phạm Đình Thưởng - Thành viên Hội đồng Tư vấn cấp cao Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) nhấn mạnh, đơn vị này không đồng tình với đề xuất trên ở nhiều góc độ.
Trước hết, theo VECOM, sửa đổi như vậy là mâu thuẫn với một số luật khác. Cụ thể, sàn thương mại điện tử không phải đối tượng thuộc 5 trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho cá nhân được quy định tại Luật Thuế TNCN.
Do đó, việc buộc trách nhiệm cho các sàn thương mại điện tử phải kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn (gọi chung là người bán) là không phù hợp với Luật Thuế TNCN.
Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT quy định rõ người nộp thuế này là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng. Luật này cũng chưa cho phép áp dụng cơ chế khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Như vậy, quy định tại khoản 4, điều 42 của dự thảo luật cũng mâu thuẫn với Luật Thuế GTGT và không khả thi, đặc biệt sẽ dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế.
“Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc người kinh doanh phải nộp thuế, tuy nhiên, nếu không có nghiên cứu cụ thể và thấu đáo, quy định này có thể tạo ra những bất bình đẳng và gánh nặng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vốn là những đối tượng yếu thế và dễ tổn thương trong nền kinh tế”, VECOM kiến nghị.
Đặc biệt, VECOM cho rằng quy định trên không phù hợp với thực tế và tạo ra nhiều gánh nặng cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hiện, thuế TNCN và thuế GTGT được áp dụng với nhiều mức thuế khác nhau cho các đối tượng, hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Việc phân loại người bán, cũng như phân loại mặt hàng, dịch vụ để tính toán mức thuế, kê khai và nộp thuế hầu như chưa thể thực hiện được một cách tự động đối với các sàn TMĐT.
“Về bản chất, việc kê khai thay, nộp thuế thay chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn thương mại điện tử. Nếu ép các sàn thương mại điện tử phải thu thuế thay cho người bán sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc đầu tư và vận hành”, ông Thưởng lo ngại.
Dẫn khảo sát của VCCI vào năm 2022, ông Thưởng cho biết, dự kiến, quy định kê khai thay, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Khoản tiền này dùng cho việc bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu... nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán, thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công việc kinh doanh cốt lõi.
“Mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng thực chất mọi gánh nặng sẽ được đặt lên các sàn TMĐT vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế. Điều này gây lo lắng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”, ông Thưởng nêu.
Ngoài ra, theo VECOM, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thay thuế TNCN cho người bán là chưa có tiền lệ ở trong các nước trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới. Tại các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế của mình. "Do đó, khoản 4 Điều 42 như Dự thảo đang đi ngược với thông lệ quốc tế".
Cần làm hài hòa lợi ích trách nhiệm các bên
Liên quan đến việc này, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay đều không đồng tình với quy định này bởi các sàn TMĐT cho rằng trách nhiệm với việc thu thuế quá nặng nề và lợi ích lại không có. Tiếp theo, ông Lực đặt câu hỏi: Liệu khi áp dụng quy định này có khả thi hay không? Ông cho rằng, cơ quan soạn thảo phải hết sức cân nhắc trong việc sửa đổi bổ sung quy định này để làm hài hòa lợi ích, trách nhiệm của Nhà nước, của các bên và đặc biệt là phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông cũng cho hay, triển khai quy định này là rất khó bởi hiện nay việc bán hàng qua livestream rất phổ biến, cơ quan thuế thu thuế còn gặp khó khăn huống chi là sàn TMĐT.
Theo ông, cơ quan thuế nên nghĩ cách khác để thu thuế của người bán, cá nhân kinh doanh TMĐT. Ví dụ như sử dụng etax mobile để theo dõi hoạt động kinh doanh của người bán, yêu cầu người bán đăng ký giao dịch và sẽ phát sinh thu nhập trên đó. Từ đó cơ quan thuế có thể tiến hành thu thuế.
Ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung quy định này, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng, sàn TMĐT khai, nộp thuế thay người bán hàng sẽ mang lại nhiều lợi ích chung như chống gian lận, trốn thuế... Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, việc yêu cầu sàn TMĐT khai, nộp thuế thay người bán là phải có chi phí, thù lao chứ không thể miễn phí. Bởi việc khai, nộp thuế thay sẽ khiến doanh nghiệp phải đầu tư kỹ thuật, nhân sự vận hành, hệ thống thông tin...