Quy hoạch chuyển ngầm khu vực quanh Công viên bến Bạch Đằng

Cụ thể, quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM sẽ biến đường Tôn Đức Thắng thành giao thông ngầm, có bãi giữ xe ngầm, Công trường Mê Linh sẽ có vườn trũng ngầm ở giữa, ngoài ra còn có đài phun nước…

“Khu Công viên bến Bạch Đằng giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - sông Sài Gòn, diện tích 11,96 ha sẽ dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm” - đại diện Sở QH-KT cho biết nội dung quy hoạch công viên này trong quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM mới.

Mô phỏng vị trí bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng theo phụ lục quy chế quản lý kiến trúc của Sở QH-KT TP.HCM. Ảnh đồ họa: THÙY TRANG

Làm đường ngầm, vườn trũng ngầm

Sở QH-KT cũng cho biết khi chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm thì đường này sẽ thành đường ngầm có hai làn xe mỗi hướng. Hầm cũng sẽ được thông gió tự nhiên nếu được cho phép sau này.

Ngoài ra, đường ngầm Tôn Đức Thắng có bãi đậu xe ngầm. Bãi đậu xe công cộng ngầm này sẽ nằm cách Công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường phụ Tôn Đức Thắng.

Khi đó, kết cấu ngầm Tôn Đức Thắng này gồm hai tầng hầm, tầng một có bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng hai có bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng. Các lối ra/vào bãi xe ngầm sẽ có hai làn xe riêng biệt và không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe này có sức chứa 300 xe hơi, gồm hai tầng hầm như phân tích ở trên, nếu cần thiết thì có thể tận dụng một phần cho xe hai bánh.

Gần đó, khu vực Công trường Mê Linh sẽ xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa công trường, có bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... xung quanh ở tầng ngầm này. Vườn trũng sẽ kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng. Đồng thời đảm bảo kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai.

Phía trên vườn trũng ngầm là khu vực hiện nay của Công trường Mê Linh sẽ tạo không gian thoải mái và mát mẻ cho du khách. Hơn 50% diện tích quảng trường sẽ bố trí cây xanh che phủ; quảng trường còn có đài phun nước và được quy hoạch để đảm bảo kết nối tầm nhìn của người đi bộ từ các khu vực xung quanh.

Bên cạnh các công trình ngầm làm mới, khu vực này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Theo quy hoạch, dưới đường Nguyễn Huệ sẽ là trung tâm thương mại ngầm tại tầng hầm đầu tiên và hai hoặc ba tầng giữ xe ở phía dưới.

Lưu ý kết nối giao thông

Sở QH-KT cho biết khu vực công viên này sẽ có nhà hóng mát hoặc các công trình, kết cấu tương tự. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có ba trạm xe buýt, trạm LRT (Light Rail Transit, đường sắt nhẹ, trạm có thể được xây dưới lòng đất) và trạm taxi thủy. Đồng thời quy hoạch phải đảm bảo kết nối giao thông cho người đi bộ giữa các trạm này với vườn trũng.

Phương tiện cũng có thể đi từ bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng đến Công trường Mê Linh và được đảm bảo an toàn qua lối vào bố trí tại tầng hầm thứ nhất, vốn sử dụng cho dịch vụ và bảo trì các cửa hàng thương mại bên dưới Công trường Mê Linh.

Lối đi bộ cũng sẽ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng tới Công trường Mê Linh qua tầng hầm thứ nhất của đường Tôn Đức Thắng.

“Đường ngầm Tôn Đức Thắng phải được xây dựng theo quy định về phát triển không gian ngầm của quy chế quản lý kiến trúc” - Sở QH-KT TP nêu trong phụ lục.

Theo đó, thiết kế tổ chức không gian kiến trúc bên trong các công trình ngầm ngoài các yêu cầu về công năng sử dụng và độ bền vững còn phải đảm bảo các yêu cầu về mỹ quan, phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử tại khu vực xây dựng công trình. Không gian ngầm cũng được khuyến khích tăng cường chiếu sáng tự nhiên, kết nối không gian cây xanh, mặt nước trên mặt đất.

Nói về quy hoạch không gian ngầm trong quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM mới nhất, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TP.HCM, cho biết việc chuyển ngầm đường Tôn Đức Thắng hay làm bãi xe ngầm là câu chuyện của tương lai. Còn việc chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng và Công trường Mê Linh cũng như làm vỉa hè đường Tôn Đức Thắng là vấn đề cần làm trong giai đoạn này. “Khi có các công trình ngầm kia, chúng ta sẽ tính đến chuyện tổ chức và kết nối giao thông phù hợp” - ông Thụ chia sẻ.•

 Ngày 16-2, Trung tâm thông tin quy hoạch (Sở QH-KT TP.HCM) cho biết UBND TP.HCM đã phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM tại Quyết định 56/2021/QĐ-UBND ngày 28-12-2021. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7-1-2022, thay thế các quy định trong lĩnh vực quản lý kiến trúc đô thị đã được UBND TP ban hành trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới