Ngày 21-11, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự hội thảo có khoảng 250 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tỉnh thành lân cận…
Văn hoá, môi trường phải được coi trọng
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho hay đến nay bản dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trước khi trình thẩm định.
Dự thảo báo cáo gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hoá.
“Bản dự thảo được xây dựng trên cơ sở đề cương định hướng được Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua. Mục tiêu xuyên suốt là văn hoá và con người vừa là nền tảng vừa là nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô” - ông Hải nói.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Hà Nội nên được quy hoạch theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Hà Nội cũng phải là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh. Hà Nội là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao...
“Hà Nội là thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” - ông Hà nói.
Còn nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng trong quá trình phát triển cần chú trọng đến bảo vệ môi trường, không gian sống của người dân. Đơn cử, lâu nay Hà Nội đang đặt ra vấn đề phải “làm sống lại” các con sông nhưng chưa có kết quả cao.
“Bất kỳ một vùng nào thì đất là thịt, núi là xương và sông ngòi là mạch máu. Hiện chúng ta vẫn đang loay hoay xử lý sông Tô Lịch nhưng mãi chưa được, vậy các con sông khác thì thế nào?” - ông Hiển nói.
Theo ông, quy hoạch của Hà Nội từ lúc này phải đặt ra vấn đề làm sống lại các con sông trong TP, trong đó có thể nạo vét, thau rửa, cải tạo các dòng sông để vừa biến đây thành cảnh quan đẹp vừa là những tuyến giao thông thuỷ quan trọng cho thành phố.
Ông Hiển cũng đề nghị Hà Nội phải dành một diện tích lớn để phát triển cây xanh, công viên, đồng thời cũng phải dành nguồn lực lớn cho xử lý nước thải, thoát nước trong đô thị…
Quy hoạch xây dựng thủ đô tầm nhìn cần dài hơn, rộng hơn
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng quy hoạch xây dựng Thủ đô cần tầm nhìn rộng hơn và dài hơn. Bởi “chúng ta xây dựng thủ đô Hà Nội với một tư duy không chỉ là thủ đô của đất nước mà còn là một đô thị có sức cạnh tranh”.
“Tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065, vì sao không tính quy hoạch đến năm 2100, năm 2065 đến nơi rồi, chỉ còn vài chục năm nữa, đối với chúng ta là dài nhưng với lịch sử là ngắn. Tại sao chỉ đặt Hà Nội là trung tâm động lực phát triển của vùng, của quốc gia, mà không đặt là trung tâm của ASEAN, châu lục?” - ông Hiển đặt vấn đề và cho rằng bản quy hoạch Thủ đô cần giải đáp thoả đáng những vấn đề trên.
Tương tự, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.
Ở góc độ khác, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận Hà Nội với sự phát triển như hiện nay mà cách quản trị vẫn như cũ là rất khó. Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thủ đô, đây là cơ hội lớn để thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển Thủ đô.
Ông Dũng cho rằng trong Luật Thủ đô, phải thể hiện mô hình phân cấp, phân quyền là mô hình bổ trợ. Tức là tất cả những gì Hà Nội làm được thì phân hết cho Hà Nội, chỉ những gì Hà Nội không làm được mới đưa lên Trung ương.
Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay Hà Nội đang thực hiện ba công việc lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là sửa đổi Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Phong, Nghị quyết 15 được Bộ Chính trị xây dựng và ban hành với tư duy mới; đánh giá, nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác so với trước. Đơn cử, Nghị quyết đặt ra mục tiêu Hà Nội phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đến năm 2045 phải là thành phố kết nối toàn cầu.
"Chính vì vậy, tư tưởng Hà Nội vươn ra cạnh tranh với thế giới phải là xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên” - ông Phong nêu và cho hay TP mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, góp ý từ các cơ quan, tổ chức, nhất là của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Từ đó, hướng đến mục tiêu có được những bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi.