Hơn 350 trí thức, chuyên gia, nhà khoa học sẽ hiến kế quy hoạch Thủ đô

(PLO)- Để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô trình Quốc hội tháng 10 tới, Hà Nội mời hơn 350 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý góp ý, hiến kế.

Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ được tổ chức vào 29-9 tới, với sự tham gia của hơn 350 đại biểu là các nhà quản lý, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học của các cơ quan bộ ngành trung ương, Hà Nội và hơn 80 trường đại học, cao đẳng và học viện tại Hà Nội.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho hội thảo quan trọng này, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết đến thời điểm này, dự thảo Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành và trình Thành uỷ Hà Nội.

Toàn bộ dự thảo sẽ được giới thiệu, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới.

hop-bao-hoi-thao.jpeg
Họp báo về hội thảo định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Thọ, các số liệu trong dự thảo Quy hoạch Thủ đô bảo đảm tính chính xác, đánh giá trung thực hiện trạng đang có. Các mô hình áp dụng hiện đại cùng dữ liệu kèm theo có nguồn gốc rõ ràng là cơ sở dự báo cho dài hạn và trung hạn để Thủ đô có giải pháp tương ứng trong phân kỳ thực hiện quy hoạch.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho hay tại hội thảo tới đây các nhà khoa học sẽ cho ý kiến thêm về quan điểm về tổ chức không gian Thủ đô.

Theo đó, giải quyết các yêu cầu về tính hài hoà, hợp lý, có bản sắc của thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Về tổ chức không gian phát triển, hội thảo sẽ góp ý cho định hướng nghiên cứu 2 thành phố mới trực thuộc Thủ đô: Thành phố ở khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Quy hoạch Thủ đô được tính toán trong sự vận hành 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội.

Cùng với đó là 4 không gian chú trọng phát triển: Không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hoá (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng (chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ).

Quy hoạch Thủ đô làm rõ hơn 5 trục phát triển quan trọng: Trục sông Hồng (là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); trục Hồ Tây - Ba Vì (kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại); trục Nhật Tân - Nội Bài (trục đô thị thông minh - đối ngoại); trục liên kết phía Nam (trục liên kết Vùng); và trục Hồ Tây - Cổ Loa (trục không gian văn hóa).

Cùng với đó là 5 tuyến vành đai đô thị, với các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị tạo nên các không gian phát triển mới của Thủ đô.

Quy hoạch làm rõ 4 không gian chú trọng phát triển: Không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hoá (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng (chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ).

Hình ảnh Thủ đô trong tương lai

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ mô tả 4 điểm nhấn chính về hình ảnh Thủ đô trong tương lai.

Cụ thể, Hà Nội là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số;

Hà Nội là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị; trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số; người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam;

Hà Nội là thành phố sáng tạo, đặc sắc, điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao, là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế thường niên;

Hà Nội là thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ - kết tinh – lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, của đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm