Ngày 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều vấn đề.
Theo Thủ tướng, chúng ta cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ giải pháp. Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm ba trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Thứ hai là nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cũng cho rằng công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng.
"Quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển" - Thủ tướng nói.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba là về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Thứ tư là nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Thứ năm là nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị. Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cần nâng cao hiệu quả quản lý đô thị
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị. Đồng thời cần nâng cao chất lượng và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.
Về phương thức thực hiện, cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bố trí nguồn lực tương xứng với công tác quy hoạch.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị; phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị; chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.