Sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho ý kiến về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Bộ KH&ĐT vừa tiếp thu hoàn thiện dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua quy hoạch này.
Theo đó, quan điểm và mục tiêu phát triển của nước ta là nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0% mỗi năm. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8%-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD.
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước khoảng 6,5%-7,5% mỗi năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD.
Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh đến việc phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, đường bộ cần hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển, sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế đông - tây.
Về hạ tầng đường sắt, phải xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng.
Đồng thời ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối sân bay Long Thành.
Dự thảo nghị quyết cũng đặt mục tiêu nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.
|
Sơ đồ dự kiến tuyến đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ. Đồ họa: HỒ TRANG |
Về hàng không, tập trung xây dựng sân bay Long Thành, mở rộng và nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Mở rộng các sân bay quốc tế gắn với các vùng động lực như Vân Đồn, Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc... Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92%-95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100 km.
Cạnh đó, trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng (dân sự và quân sự).
Về đường thủy nội địa sẽ đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hóa chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thủy nội địa tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL. Đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.