Quỹ phòng, chống thiên tai: Góp ít nhất 10.000 đồng/người/năm

“Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi đến hết tuổi lao động hằng năm phải đóng góp cho Quỹ Phòng, chống thiên tai” - đó là nội dung dự thảo nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai đang được lấy ý kiến nhân dân. Ngày 27-11, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thủy lợi, Cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này cùng với dự thảo nghị định thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Phải kiểm soát chặt

Theo dự thảo nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, các tổ chức kinh tế phải đóng góp một năm hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản theo báo cáo tài chính hằng năm (tối thiểu 1 triệu đồng và tối đa 100 triệu đồng). Các cá nhân phải đóng góp như sau: Người lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đóng 10.000 đồng/người/năm; cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương đóng góp một ngày lương/người/năm; người lao động khác đóng góp 30.000 đồng/người/năm.

Quỹ phòng, chống thiên tai: Góp ít nhất 10.000 đồng/người/năm ảnh 1

Theo dự thảo, người lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp phải đóng tối thiểu 10.000 đồng/người/năm. Ảnh: HTD

Các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, người khuyết tật, thất nghiệp, sinh viên… được miễn đóng góp. Riêng các doanh nghiệp gặp khó khăn thì UBND tỉnh trực tiếp quản lý quỹ sẽ xem xét miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp. Dự thảo cũng quy định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp xã, phường sẽ trực tiếp thu đối với các cá nhân thuộc đối tượng thu tại các xã và nộp cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp huyện. Mức trích lại sẽ từ 3% đến 5% để trả thù lao cho người trực tiếp thu và chi phí khác cho công tác thu tại cấp xã.

Băn khoăn về mức trích thu, ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, góp ý: “Dự thảo cần xác định cụ thể mức trích thu, không thể quy định khoảng 3% đến 5% được. Bởi nếu như vậy có thể sẽ bị cán bộ cấp xã lợi dụng để chia chác nhau”.

Trong khi đó, ông Mai Trọng Dũng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, lại cho rằng: “Dự thảo cần phải bổ sung quy định về chế tài đối với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cố tình không nộp quỹ”.

Nhiều đại biểu cũng lo lắng về việc sử dụng nguồn tiền đóng góp của quỹ. Bởi tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM số tiền của quỹ này sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Đây là quỹ tài chính nên cần phải công khai, minh bạch trong công tác thu chi. Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát quỹ một cách cụ thể, chặt chẽ, tránh thất thoát” - ông Nguyễn Cảnh Thăng, đại diện Bộ Tư pháp, đề nghị.

Địa phương toàn quyền quản lý

Đối với dự thảo nghị định thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đáng quan tâm là quy định hết sức rõ ràng trong phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp ứng phó với thiên tai. Ví dụ, thiên tai ở cấp độ 4 (như bão Haiyan vừa qua - PV) thì Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan triển khai ứng phó với thiên tai. Trường hợp vượt cấp độ 4, Thủ tướng phải đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Phó Trưởng ban Soạn thảo dự thảo), cho biết: “Từ ngày 1-5-2014, Quỹ Phòng, chống thiên tai và nghị định thi hành Luật Phòng, chống thiên tai sẽ có hiệu lực. Quỹ Phòng, chống thiên tai sẽ thuộc toàn quyền quản lý của các tỉnh nhưng trong trường hợp cấp bách thì có thể huy động một phần kinh phí của tỉnh này để giúp đỡ các tỉnh khác khi gặp thiên tai. Chính phủ sẽ không nhúng tay quá sâu vào việc quy định địa phương này phải hỗ trợ địa phương khác bao nhiêu”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm