Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk: “Thấy di vật nên rất tin”

Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin các đợt quy tập hài cốt liệt sĩ do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam kết hợp với nhà ngoại cảm thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk cho thấy nhiều dấu hiệu giả mạo.

Ngày 28/10, với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Thanh Thúy- người tự xưng là nhà ngoại cảm cũng là người kết hợp với NHCSXH trong các đợt quy tập hài cốt, đã bị Bộ Công an bắt tạm giam  để phục vụ công tác điều tra.

Tại tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng, người dân đang rất quan tâm và mong có câu trả lời chính xác, vì đây là nơi NHCSXH đã tổ chức hai đợt quy tập và được cho là đã tìm thấy 72 hài cốt liệt sĩ.

Để hiểu hơn về vấn đề trên, phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk về nội dung này.

Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk: “Thấy di vật nên rất tin” ảnh 1
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố, bắt giam “cậu Thủy”


PV: Thưa ông, dư luận trong những ngày qua đang rất quan tâm đến các thông tin về các đợt quy tập hài cốt liệt sĩ có dấu hiệu lừa đảo. Đắk Lắk là nơi được cho là đã tìm thấy 72 bộ trong các đợt quy tập này. Ông có thể cho biết về cách thức quy tập trong các đợt đó?


Ông Nguyễn Quang Trường: Chúng tôi nhận được thông tin qua chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk là Công đoàn Ngân hàng chủ động xây dựng kế hoạch quy tập hài cốt liệt sĩ. Chúng tôi có tham mưu cho Ủy ban tỉnh là mời NHCSXH vào làm việc để nắm bắt thêm thông tin, có kế hoạch làm việc. Sau đó, trong buổi làm việc, NHCSXH có thông báo là phối hợp với nhà tâm linh Nguyễn Văn Thúy và một số đồng đội cùng chiến đấu.

Về nguyên tắc, chúng tôi cũng có báo là Chính phủ chưa có văn bản và Bộ Lao động-Thương binh &Xã hội  cũng đã có văn bản là tuyệt đối không cho phép tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh. Tuy nhiên, NHCSXH có mời nhân chứng là có yếu tố lịch sử và được NHCSXH sử dụng bằng nguồn kinh phí của mình thì đây là điều tốt cho địa phương.

PV: Vậy khi tiến hành quy tập, tỉnh làm cách nào để xác minh rằng đó đúng là hài cốt liệt sĩ hay không, thưa ông ?

Ông Nguyễn Quang Trường: Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi có tham mưu cho Ủy ban tỉnh giao nhiệm vụ quy tập cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bố trí lực lượng quy tập. Đồng thời, trong quá trình quy tập sẽ phân tích mẫu vật, các di vật xem có phải là hài cốt liệt sĩ hay không. Bên cạnh đó là do có yếu tố tâm linh nên đề nghị lực lượng công an cũng vào cuộc để xử lý nếu có tình huống không bình thường.

Trong quá trình quy tập, đông đảo người dân và lực lượng chức năng tham gia. Khai quật từng điểm một thì đều có ghi chép và chúng tôi đã có thảo luận với nhau là trong cùng một điểm thì liệt sĩ sinh năm 1968 không thể chôn cùng chỗ với liệt sĩ sinh năm 1972.

Tại thời điểm đó, một số đồng chí giải thích là có thể do nhầm lẫn của ông Thúy khi gọi vong, vì chúng tôi không có chuyên môn phân tích nên khi thấy di vật thì rất tin nên tiếp tục tham mưu cho Ủy ban tỉnh là tổ chức lễ nhận bàn giao và an táng.

PV: Tại sao trong thời điểm đó, khi đã có những nghi vấn nhưng đơn vị không báo cho ngành chức năng để có những giám định hoặc kết luận cho chính xác?

Ông Nguyễn Quang Trường: Tại thời điểm đó, chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều dụng cụ để đựng sinh phẩm lấy mẫu giám định. Khi chuẩn bị lấy thì đông đảo đồng bào đề nghị là việc quy tập công khai, có cấp ủy chính quyền, có lực lượng chức năng và di vật không có biểu hiện giả nên đề nghị chưa lấy mẫu sinh phẩm. Mục đích là để cho ông Thúy nhập vong vào các hài cốt liệt sĩ cho đầy đủ sau đó sẽ lấy sinh phẩm sau.

Vì đông người, nếu mình làm mà không đúng ý thì dễ bị kích động nên chúng tôi thống nhất là nhận bàn giao hài cốt về an táng và sẽ lấy mẫu sinh phẩm sau. Tất nhiên, việc này về quy trình là không đúng.

PV: Việc gửi mẫu sinh phẩm đi giám định AND tại sao chưa được thực hiện, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Trường: Sau khi chúng tôi làm báo cáo gửi Bộ Lao động -Thương binh &Xã hội thì Bộ có văn bản hướng dẫn là trước mắt là chưa lấy mẫu vì đã được an táng.

Sau những thông tin vừa rồi, Ủy ban tỉnh đã có chỉ đạo tổ chức khai quật lấy mẫu gửi giám định gen. Tuy nhiên, hiện nay ông Thúy đang bị điều tra, khởi tố nên chúng tôi tham mưu là trước mắt giữ nguyên hiện trạng, bảo vệ chặt chẽ số hài cốt đã được an táng. Những di vật ngân hàng bàn giao lại cho chúng tôi sau khi chuyên án được làm rõ thì sẽ khai quật và lấy mẫu giám định để đảm bảo tính pháp lý, tránh tình trạng khai quật bây giờ mộ bị vỡ, đề phòng những kẻ trong đường dây này phi tang chứng cứ thì khó cho công tác điều tra.

PV: Được biết sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk kêu gọi ủng hộ cho công tác quy tập và an táng. Tại sao tại thời điểm đó, NHCSXH được coi là chịu toàn bộ kinh phí mà tỉnh vẫn kêu gọi đóng góp và số quỹ này được sử dụng như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Trường: Sau khi kết thúc đợt 2, Ngân hàng không có thông báo bằng văn bản nhưng qua trao đổi, một số cán bộ có nói là nguồn quỹ hiện đang khó khăn, đặc biệt là ông Thúy có nói là vùng này còn rất nhiều hài cốt. Chúng tôi thấy rằng, nếu không có động thái thì vô trách nhiệm nên tham mưu cho Ủy ban tỉnh vận động đóng góp.

Theo thông báo của các địa phương thì quỹ được khoảng 1,5 tỷ ở các địa phương và ở tỉnh khoảng 250 triệu. Nhưng sau khi có thông tin về vụ việc ở Quảng Trị, Ủy ban tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc kêu gọi ủng hộ. Hiện tại, quỹ này còn nguyên, không hề bị thâm hụt.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Theo Minh Châu (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm