Ngày 27-12, khoa Luật - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Quyền hưởng dụng là một chế định pháp luật được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khái niệm này vẫn còn xa lạ với đa số người dân và thậm chí cả những người công tác trong ngành luật.
Theo PGS-TS Lê Minh Hùng, Trưởng khoa Luật Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, quyền hưởng dụng đã từng xuất hiện trong pháp luật dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ trước đây nhưng sau đó bị gián đoạn một thời gian dài. Quyền hưởng dụng chỉ mới được ghi nhận trở lại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 qua 10 điều luật, từ Điều 257 đến điều 266.
Điều 257 Bộ luật Dân sự đưa ra định nghĩa “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian nhất định”.
Định nghĩa này dù phản ánh được bản chất và nội hàm khái niệm quyền hưởng dụng nhưng dễ gây ra sự nhầm lẫn vì chưa có sự phân biệt rõ ràng với khái niệm quyền sử dụng.
Ngoài ra, các quy định hiện hành về quyền hưởng dụng vẫn còn mang tính khái quát, chưa cụ thể, có nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, bộc lộ nhiều bất cập, rất cần được nghiên cứu, hoàn thiện.
Thực tiễn cho thấy các điều luật này vẫn chưa thể bao quát hết các vấn đề pháp lý phức tạp của quá trình từ tạo lập, vận hành đến chấm dứt quyền hưởng dụng.
Điều này dẫn đến việc từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (1-1-2017) cho đến nay, việc áp dụng quy định của bộ luật này về quyền hưởng dụng trong giải quyết tranh chấp còn rất mờ nhạt và hạn chế.
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để hoàn thiện các quy định về quyền hưởng dụng. Cũng như cần có sự hướng dẫn chi tiết của nhà lập pháp và sự tạo lập các án lệ liên quan đến quyền hưởng dụng.
Hội thảo thông qua nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là pháp luật ở các nước tiến bộ như Nga, Đức, Pháp,… nhằm làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật dân sự, pháp luật tài sản và các quy định liên quan của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trải qua 2 phiên làm việc với 5 chuyên đề được trình bày (trong tổng số 17 chuyên đề), buổi hội thảo đã mô tả và nhận diện quyền hưởng dụng thông qua phân tích khái niệm, bản chất của quyền; thảo luận các vấn đề liên quan như căn cứ xác lập, đối tượng, nội dung, phạm vi,… đồng thời so sánh với quy định pháp luật của các quốc gia khác.
Từ đó, Hội thảo đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền hưởng dụng.