Hôm qua (2-1) là ngày thứ sáu lực lượng tìm kiếm cứu hộ tìm kiếm nạn nhân chuyến bay QZ8501 bị nạn trên vùng biển Indonesia. “Khu vực khả dĩ nhất” có thể tìm thấy xác máy bay rộng khoảng 5.400 km2 đã được thiết lập trong bối cảnh thời tiết khá thuận lợi. Đến cuối ngày cơ quan đã vớt được 30 thi thể nạn nhân - rút ngắn con số nạn nhân còn lâm cảnh “màn trời chiếu đất” ngoài biển xuống còn 140 người. Phần đuôi của chiếc máy bay AirAsia cũng đã được tìm thấy.
Hãng tin Channel News Asia dẫn lời Cơ quan khám nghiệm pháp y Indonesia thông báo họ gặp khó khăn trong việc xác định danh tính một số thi thể nạn nhân vì nước biển đã khiến dấu vân tay của nạn nhân biến dạng, không mang về kết quả rõ ràng. Bên cạnh đó, một số thi thể vẫn chưa được xác định danh tính vì thiếu dữ liệu, thế nên các gia đình thân nhân phải cung cấp thêm thông tin.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ di chuyển thi thể nạn nhân QZ8501 tại Pangkalabun. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó, trên diễn đàn tranh luận vì sao máy bay AirAsia bị đánh chìm, nhiều chuyên gia hàng không đã lên tiếng. Phát biểu trên tờ Daily Mail, chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman dẫn phân tích các dữ liệu từ radar nhận định có thể thấy chiếc Airbus A320-200 đã tăng độ cao quá gấp, rồi bất ngờ rơi xuống theo chiều thẳng đứng một cách khó hiểu. Vị này ví von chiếc máy bay lao xuống nhanh “như một mảnh kim loại bị một bàn tay khổng lồ kéo xuống”.
Khác với quan điểm trên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng máy bay Airbus 320-200 đã đáp khẩn cấp xuống biển an toàn, thế nhưng lại bị những cơn sóng cao vào thời điểm đó đánh lật úp. Giả thuyết này có thể phần nào lý giải được vì sao ảnh chụp sonar cho thấy chiếc máy bay không bị gãy đôi, vỡ vụn mà lại nằm lật úp dưới đáy biển. Đồng thời cho biết tại sao máy bay không phát đi tín hiệu va chạm khẩn cấp từ bộ truyền phát sóng định vị khẩn cấp (ELT). Theo ông Dudi Sudibyo, một biên tập viên kỳ cựu của tạp chí hàng không Angkasa, hệ thống ELT không hoạt động chứng tỏ rằng đã không có va chạm nào đủ mạnh.
Các chuyên gia chứng minh thêm: “Nhờ hạ cánh an toàn nên thân máy bay được dự báo là phần lớn còn nguyên vẹn”. Nhiều khả năng sau khi hạ cánh thành công, cửa thoát hiểm và cầu phao đã được mở ngay ra chuẩn bị tiến hành sơ tán nhưng sóng lớn đã ập đến mà không ai kịp trở tay. Thế nên lúc đầu đội tìm kiếm đã tìm thấy cửa thoát hiểm và cầu phao thoát hiểm. Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Indonesia, ông Jussman Syafii Djamal, tin rằng một cơn sóng rất lớn đã ập đến, đánh thẳng vào mũi máy bay và lật nó chìm xuống biển.