Ra mắt sách 'Trọng tài thương mại quốc tế - những vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam'

(PLO)- Cuốn sách Trọng tài thương mại quốc tế - những vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam cung cấp một phác thảo ngắn gọn về các chủ đề khác nhau liên quan tới trọng tài thương mại quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-11, tại Khách sạn Palace Sài Gòn diễn ra buổi tọa đàm giới thiệu sách “Trọng tài thương mại quốc tế - những vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam”.

Cuốn sách này được chắp bút bởi tập thể tác giả, chủ biên là PGS-TS Trần Việt Dũng (trưởng khoa Luật pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) và PGS-TS Ngô Quốc Chiến (khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại phía Nam - STAC).

trong-tai-thuong-mai-tap-the-tac-gia.jpg
Các tác giả giới thiệu và giao lưu với khách mời. Ảnh: YC

Đồng tác giả gồm 10 người, trong đó có GS-TS Đỗ Văn Đại (một chuyên gia pháp luật dân sự và trọng tài thương mại hàng đầu của Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Trọng tài, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam)...

Tham gia buổi tạo đàm có ông Đặng An Thanh (Phó chánh án TAND tỉnh Bình Dương), ông Vũ Trọng Khang (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM)...

Theo lời mở đầu cuốn sách, Pháp lệnh về trọng tài đã được sửa đổi và nâng lên thành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Luật này được làm rõ hơn bởi Nghị quyết số 01/2014. Tuy nhiên, pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam vẫn chứa đựng khá nhiều bất cập, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam không “mặn mà” với trọng tài. Thêm vào đó, khung pháp luật bổ trợ cho trọng tài, đặc biệt là các quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, dẫu đã được sửa đổi năm 2015 nhưng vẫn chưa giúp cho Việt Nam trở thành một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ trọng tài.

sach trong tai.jpg
Bìa cuốn sách “Trọng tài thương mại quốc tế - những vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam”.

Trong bối cảnh hiện nay, một loạt các vấn đề như điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, nguồn luật áp dụng trong tố tụng trọng tài, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài… lại có thêm các chiều kích mới với sự phát triển của công nghệ. Ngoài ra, sự phức tạp hóa của các giao dịch thương mại và cách mạng công nghệ đã buộc trọng tài, cũng như các thiết chế tư pháp khác phải trải qua một cuộc “vượt cạn” đầy khó khăn...

Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, cuộc khủng hoảng mà đại dịch COVID-19 gây ra đã trở thành cột mốc đánh dấu sự phát triển của hình thức xét xử trực tuyến. Thậm chí nó đã trở thành một “điều bình thường” của hoạt động trọng tài thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để thủ tục trọng tài trực tuyến vận hành trơn tru và hiệu quả cần phải giải quyết được các vấn đề pháp lý phát sinh, ví dụ như chủ thể giải quyết, địa điểm giải quyết, việc công nhận và thi hành phán quyết...

Cuốn sách ra đời là tác phẩm xúc tích và rõ ràng, cung cấp một phác thảo ngắn gọn về các chủ đề khác nhau liên quan tới trọng tài thương mại quốc tế. Với mục đích cung cấp không chỉ các thông tin pháp luật và giải pháp pháp lý cho những người thực hành luật, mà còn cả các hướng suy nghĩ mới dành cho những nhà lập pháp và những người nghiên cứu.

trong-tai-thuong-mai-GSTS Đai.jpg
PGS. TS. Trần Việt Dũng (Trưởng Khoa Luật Pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) (trái) và GS.TS. Đỗ Văn Đại (Phó Viện trưởng Viện Trọng tài, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: YC

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS-TS Trần Việt Dũng (trưởng khoa Luật pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) hy vọng cuốn sách sẽ phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau quan tâm, nghiên cứu về trọng tài tại Việt Nam và mong muốn Luật Trọng tài Việt Nam sẽ phát triển trong thời gian tới.

Đánh giá về cuốn sách, ông Đặng An Thanh (Phó chánh án TAND tỉnh Bình Dương) cho rằng đây là một cuốn sách phù hợp với nhiều đối tượng, không chỉ những nhà nghiên cứu mà những người làm thực tế như thẩm phán...

Bàn về căn cứ hủy phán quyết trọng tài

Tại buổi này, một độc giả đặt vấn đề về sự khác nhau giữa “lợi ích công cộng” và “nguyên tắc cơ bản” khi đây là một trong những căn cứ để hủy phán quyết trọng tài.

Theo GS-TS Đại, trước đây, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 quy định một trong những căn cứ để hủy quyết định của trọng tài là quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng và hầu như không có bản án nào của tòa tuyên hủy thỏa thuận trọng tài vì lý do này.

Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ra đời đã thay đổi thuật ngữ "trái với lợi ích công cộng" thành "trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam". Và cũng từ đây có rất nhiều bản án của tòa hủy phán quyết trọng tài vì lý do trái với các nguyên tắc cơ bản. Theo GS-TS Đại, có lẽ nên quay lại với thuật ngữ “lợi ích công cộng” sẽ phù hợp hơn..

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm