Rà soát các ca tai biến do thuốc gây tê

Sau sự việc một sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng, nghi do thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, ngày 22-11, Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Bộ Y tế tiếp tục có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP, các BV trực thuộc TP yêu cầu tăng cường công tác dự phòng, phát hiện và xử trí tai biến do gây tê vùng giảm đau trong sản khoa. 

Rà soát các ca tai biến do thuốc gây tê

Công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng làm công tác gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu về dự phòng, phát hiện và xử trí các biến chứng của thuốc tê.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở y tế có thực hiện thủ thuật gây tê vùng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và thuốc thiết yếu phục vụ cấp cứu các trường hợp tai biến do dùng thuốc tê.

Đồng thời, bộ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát, phát hiện các trường hợp xảy ra biến cố bất lợi liên quan đến thuốc tê (nếu có), lập báo cáo gửi về Trung tâm DI & ADR quốc gia (đồng gửi Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Bộ Y tế).

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thăm hỏi sản phụ bị sự cố sau khi được gây tê. Ảnh: TA

Đề nghị dừng sử dụng vì đạo đức nghề nghiệp

Ngày 22-11, ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết các đơn vị y tế trực thuộc sở đã không sử dụng loại thuốc này từ tháng 4-2019.

Theo ông Tồn, trước đó vào tháng 4, trong các cuộc họp chuyên ngành sở có nghe tỉnh Long An và Bến Tre phản ánh về sự cố chết người tại địa phương liên quan đến thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy.

“Ở Cần Thơ chưa xảy ra sự cố y khoa liên quan đến thuốc này nhưng sau phản ánh của Long An, Bến Tre, để đảm bảo an toàn tính mạng con người, Sở Y tế TP Cần Thơ đã chủ động làm việc với Công ty CPC1 tạm dừng sử dụng loại thuốc này và thay thế bằng một loại thuốc khác” - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin thêm.

Đại diện BV Hùng Vương và BV Từ Dũ (TP.HCM) cho hay hai nơi này đều không xài thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất cho bệnh nhân. Hiện hai nơi này đang sử dụng thuốc khác. 

BS CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa gây mê hồi sức BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL, cho biết trong buổi làm việc với Cục Quản lý dược tại Cần Thơ hồi tháng 4 bà từng phản ánh sự việc và xin ý kiến lãnh đạo cục về loại thuốc này.

“Tôi đã công tác trong lĩnh vực gây mê khoảng 30 năm nay và thấy rằng tiêu chuẩn thuốc gây tê tủy sống là thuốc nhập đạt chuẩn châu Âu và luôn được đóng gói vô trùng, tinh khiết, không tạp chất. Tuy nhiên, tôi thấy thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy sản xuất ở Ba Lan do đơn vị trúng thầu cung cấp lần này đóng gói sơ sài.

Thêm vào đó, ở Long An và Bến Tre lại xảy ra tử vong liên quan đến thuốc này. Với vai trò, đạo đức nghề nghiệp và hơn hết là đảm bảo an toàn tính mạng con người nên tôi đã đề nghị lãnh đạo không sử dụng thuốc này” - BS Đào thông tin.

Một chuyên gia gây mê hồi sức ở TP.HCM đặt vấn đề Cục Quản lý dược tiếp nhận thông tin và xử lý như thế nào sau khi ghi nhận sự cố.

Theo chuyên gia này, việc tử vong sau khi gây tê tủy sống có thể do bệnh nhân bị đáp ứng sinh lý bất thường với việc gây tê tủy sống, cũng có thể do thuốc tê dâng cao gây ngưng tim hoặc bệnh nhân bị gây tê tủy sống toàn bộ.

ở trường hợp sản phụ tử vong ở Đà Nẵng, chuyên gia này nhận định các biểu hiện đau ngay lập tức khi tiêm thuốc, co giật nửa thân người dưới hai chân, bứt rứt kích động không phải là phản ứng bình thường sau khi được tiêm thuốc tê. Với các phản ứng sinh lý bất thường này, lọ thuốc có thể không đạt được độ tinh khiết chuẩn.

Công an TP Đà Nẵng vào cuộc

Chiều 22-11, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết sau khi có chỉ đạo từ lãnh đạo TP Đà Nẵng, Công an TP đã giao cơ quan CSĐT vào cuộc để phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế làm rõ vụ các sản phụ tử vong và nguy kịch sau sinh mổ tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng. 

“Công an sẽ cùng thanh tra phối hợp để tìm hiểu, xác minh nguyên nhân sự việc. Đây là sự cố y khoa nên phải qua các bước chứng minh khoa học mới có thể xác định được nguyên nhân, từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để tiến hành các bước tiếp theo” - Đại tá Mưu nói.

HẢI HIẾU 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm