Ngày 17-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy đã có buổi kiểm tra thực địa tại xã Vĩnh Lộc A và làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Bình Chánh về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Một vấn đề được đặt ra rất nhiều tại buổi làm việc là việc lộng hành của các đầu nậu trong nạn xây dựng không phép tại Bình Chánh suốt thời gian qua.
Hoạt động của đầu nậu có sự tiếp tay của cán bộ
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết tình trạng xây dựng không phép trong thời gian qua có giảm so với trước đây. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện còn tồn hơn 4.000 căn nhà không phép qua các thời kỳ.
Ông Lữ khẳng định trong thời gian qua, huyện Bình Chánh đã rất quyết liệt trong việc lập lại trật tự xây dựng, tuy nhiên vẫn không thể xử lý triệt để. Ông Lữ ví von thực trạng vi phạm đất đai, xây dựng tại Bình Chánh giống như “con bạch tuộc” mà đầu não là các đầu nậu. “Con bạch tuộc này vươn vòi từ bên trong ra bên ngoài. Bên trong là gắn với một số cán bộ bị mua chuộc làm ngơ cho việc vi phạm, bên ngoài là các đối tượng trung gian khác như cò đất, môi giới” - ông Lữ nói.
Theo chủ tịch huyện Bình Chánh, từ khi có Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy, “con bạch tuộc” đã rút vòi lại. Bình Chánh cũng đã xử lý hàng loạt cán bộ có liên quan, cho thôi việc cán bộ, công chức vi phạm, thậm chí xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Lữ cho hay chỉ cần lơ là, thiếu sâu sát là ngay lập tức “con bạch tuộc” tiếp tục vươn vòi.
Nói về mánh lới của các đầu nậu, ông Lữ cho biết dựa vào tâm lý của người dân là sẵn sàng mua đất nông nghiệp giá rẻ với diện tích vừa phải (40-60 m2) rồi ở nhà xây không hợp pháp thay vì phải ở trọ. Hơn nữa, tại huyện Bình Chánh còn tồn đọng hàng ngàn căn nhà xây không phép chưa được xử lý. Đầu nậu, cò đất đã lợi dụng yếu tố này để tuyên truyền cho người mua yên tâm rằng ở lâu sẽ được Nhà nước cho tồn tại và hợp thức hóa.
Ông Lữ cho biết huyện Bình Chánh hiện có hơn 4.000 công trình không phép qua các thời kỳ tồn đọng lại chưa được giải quyết. Để đầu nậu lộng hành, ông Lữ cho rằng không thể phủ nhận có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Huyện Bình Chánh hiện nay vẫn chưa xử lý được các đầu nậu. Theo ông Lữ, từ năm 2011 đến nay, công an huyện chỉ xử lý được tám bị can trong bảy vụ. Trong đó có một vụ nhận hối lộ bị xử lý hình sự, còn lại là xử phạt vi phạm hành chính.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác của Thành ủy kiểm tra thực tế về xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM ngày 17-5. Ảnh: VIỆT HOA
Chấm dứt hoạt động của đầu nậu kể từ 1-6
Về sự lộng hành của đầu nậu trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định các đầu nậu này hoạt động được phải có sự tham gia tiếp tay của một số cán bộ ấp và không loại trừ cả cán bộ trong chính quyền xã. “Để xảy ra tình trạng xây dựng không phép ở Bình Chánh lâu nay đã có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, tại sao 38 đầu nậu này không ai xử lý? Tại sao chưa tìm được manh mối, các cơ quan chức năng cần phải xem lại chính mình. Nhiều công trình vi phạm nằm sát bên trụ sở UBND ấp nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, hệ thống chính trị gần như bị tê liệt. Chúng ta không trực tiếp tiếp tay cho vi phạm nhưng làm ngơ cho vi phạm cũng chính là gián tiếp tiếp tay cho hành động này” - ông Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng đầu nậu chính là đối tượng phá rối chính sách, chuyên gây rối trật tự, vừa lôi kéo người dân có đất nông nghiệp “bán lúa non” vừa lôi kéo người dân mua nhà, đất vi phạm để trục lợi. Ông Hoan khẳng định việc xây dựng không phép không thuần túy mang tính tự phát của người dân mà có tính tổ chức. Điều này thể hiện ở chỗ có sự tham gia của môi giới, đầu nậu, có đối sách ứng phó với chính quyền và có đe dọa cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP giao huyện Bình Chánh phải nhận diện, làm rõ các đối tượng vi phạm, xử lý đúng và trúng, rà soát pháp lý cụ thể, nếu đủ điều kiện thì có thể đưa ra xử lý hình sự.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, chỉ đạo huyện Bình Chánh trước mắt phải xem xét xử lý ngay danh sách 38 đầu nậu. Đặc biệt là năm đối tượng có dấu hiệu chống đối, đe dọa lực lượng chức năng thi hành công vụ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá một xã mà “lực lượng nòng cốt” trong phân lô và xây dựng trái phép là đầu nậu chuyên đi môi giới vẫn tồn tại công khai. Có cả hiện tượng tổ trưởng tổ nhân dân ấp tiếp tay làm thủ tục luôn, rồi có cả nhà mẫu thì đó là cả một công nghệ. Những công nghệ này đang tồn tại cả nhưng lực lượng chức năng biết không? Nếu biết thì tại sao vẫn tồn tại? Nếu không có sự tiếp tay của cán bộ thì tại sao vẫn làm được?
Bí thư Thành ủy chỉ đạo kể từ ngày 1-6, huyện Bình Chánh phải chấm dứt được tình trạng phát sinh nhà không phép mới và các hoạt động của đầu nậu. “Nếu không khắc phục được tình trạng xây dựng không phép thì một số xã ở Bình Chánh sẽ nát hết” - ông Nhân nói.
Huyện Bình Chánh tồn hơn 10.000 căn nhà không phép Theo UBKT Thành ủy TP.HCM, hiện nay huyện Bình Chánh còn hơn 5.700 trường hợp xây dựng không phép tồn tại qua nhiều thời kỳ. Cộng với số căn nhà xây dựng không phép hiện nay chưa được xử lý thì còn tồn hơn 10.000 căn. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã đưa ra hai nhóm giải pháp triệt nhà không phép: Thứ nhất, xây dựng chính sách để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là đối với loại đất chuyên dùng và đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Thứ hai, nhóm giải pháp về quy hoạch, phải rà soát, bổ sung quy hoạch phù hợp. Làm rõ quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây mới, không để tình trạng mơ hồ như hiện nay. |