Thời gian qua, hàng loạt cán bộ ở các xã thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị kỷ luật, phải điều chuyển công tác, tự xin chuyển việc, thậm chí là xin nghỉ việc. Nguyên nhân sâu xa là số cán bộ này có liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là xây dựng không phép tại địa bàn. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, về vấn đề này.
Cán bộ ngại về xã nóng
. Phóng viên: Thưa ông, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều cán bộ ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B bị cảnh cáo, khiển trách hoặc xin nghỉ việc. Điều đó có bất thường không và nguyên nhân là gì?
+ Ông Nguyễn Văn Phụng: Trong thời gian qua, không riêng gì xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B mà cả các xã Tân Kiên, Bình Hưng và một số xã khác cũng có nhiều cán bộ thuộc diện điều chuyển công tác. Bốn xã này nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung là nơi có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông. Riêng bốn xã nói trên, mỗi xã có dân số từ 80.000 đến trên 120.000 dân. Bình quân, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng 40.000 người nên áp lực quản lý nhà nước là rất lớn. Đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng.
Một bất cập rất lớn là hiện nay dân số đông, nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng tỉ lệ diện tích đất ở thì rất hạn chế, trong khi huyện vẫn được giao chỉ tiêu đất nông nghiệp với tỉ lệ cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép trong thời gian qua.
Vừa rồi có xảy ra tình trạng xây dựng không phép như báo chí đã nêu, công tâm mà nói, một phần cũng do ở cơ sở có phần chủ quan trong quản lý. Cán bộ sai, liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng thì phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
. Vừa qua có một số người chủ động làm đơn xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Phải chăng số cán bộ này không chịu được áp lực khi phụ trách địa bàn quá nhạy cảm, thưa ông?
+ Có hai cán bộ ở xã Vĩnh Lộc A xin nghỉ hoặc chuyển công tác vì lý do không sắp xếp được việc gia đình. Chúng tôi đã gặp gỡ trực tiếp và vận động họ tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, cả hai người đều có nguyện vọng tha thiết nên chúng tôi phải tôn trọng. Cả bí thư xã là anh Trần Quang Sang và Phó chủ tịch phụ trách đô thị Nguyễn Thành Toại đều là những người có năng lực, làm việc rất nhiệt huyết và có trách nhiệm.
Riêng anh Phan Thanh Nhã, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, là một trường hợp rất đáng tiếc. Anh Nhã còn trẻ, có năng lực và được quy hoạch tới cấp ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy. Tuy nhiên, giữa năm 2019, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A xảy ra việc xây dựng không phép. Lúc đó anh Nhã mới được phân công về làm chủ tịch xã khoảng sáu tháng. Theo quy định, cấp ủy viên có thời gian nhận nhiệm vụ ba tháng là phải chịu trách nhiệm người đứng đầu rồi.
Cũng theo quy định, nếu ba năm không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không tiếp tục được cơ cấu vào cấp ủy viên và không được tái cử. Đồng thời bị điều chuyển công tác cũng theo quy định chứ không phải vì cái này cái kia.
. Vậy khi sắp xếp, phân công cán bộ về các xã nóng, huyện đã có những động thái gì?
+ Khi anh em được phân công về phụ trách các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng thì rất tâm trạng, lo lắng. Tuy nhiên, khi Đảng đã phân công thì cán bộ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước và sau khi trao quyết định phân công, chúng tôi cũng làm công tác tư tưởng, động viên để anh em yên tâm làm việc. Tôi cũng luôn khuyên anh em nên chịu khó đi cơ sở để nắm bắt thông tin từ nhân dân, không nên ngồi văn phòng nhiều và chỉ nghe cán bộ báo cáo. Có như thế mới sâu sát tình hình và không bị động khi có sự việc phát sinh.
Một cụm nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vào thời điểm tháng 3-2019. Ảnh: HN
Kiến nghị bổ sung phó chủ tịch xã
. Khoảng 10 năm trở lại đây, đa phần cán bộ về phụ trách các xã nóng đều “dính” kỷ luật, thậm chí có cả trường hợp bị khởi tố hình sự do sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng. Ông có suy nghĩ gì về việc này và có giải pháp nào để cán bộ yên tâm khi được phân công về các xã nóng này?
+ Kỷ luật cán bộ là chuyện chẳng đặng đừng, không còn cách nào khác và là điều rất đáng tiếc. Bởi đào tạo được một cán bộ mất rất nhiều thời gian. Có những trường hợp bản thân người đó không có gì nhưng khi xảy ra vụ việc, phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian qua, không chỉ tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng mà các xã khác cũng có sự điều động, luân chuyển công tác của các lãnh đạo. Tuy nhiên, bốn xã nóng trên, đặc biệt là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thì nhiều hơn vì các xã này đông dân và bùng phát nạn vi phạm trật tự xây dựng.
Trước tình hình vi phạm ngày càng phức tạp, Thường vụ Huyện ủy đã đề ra nhiều giải pháp để kiến nghị cấp trên cùng các sở, ban ngành cùng tháo gỡ cho Bình Chánh. Cụ thể, chúng tôi đã kiến nghị Ban thường vụ Thành ủy xem xét cho phép bổ sung bốn phó chủ tịch về bốn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và Bình Hưng. Các xã này diện tích lớn, dân số đông, áp lực quản lý nhà nước là rất lớn nhưng bộ máy hiện nay cũng tương đương với một xã vài chục ngàn dân.
. Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tăng cường cán bộ, thưa ông?
+ Đúng thế, cùng với việc xin bổ sung cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, huyện cũng kiến nghị với các sở Quy hoạch-Kiến trúc, TN&MT, Xây dựng rà soát và điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu quy hoạch đất ở trên địa bàn huyện. Nhất là với bốn xã nêu trên để đáp ứng nhu cầu về nhà ở đang rất bức thiết của người dân.
Huyện cũng mong muốn đề án chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về huyện sớm được chấp thuận. Nếu thanh tra xây dựng chuyển về địa phương thì sẽ rất thuận lợi cho huyện.
Một giải pháp nữa mà Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh đang chuẩn bị triển khai là mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, không áp dụng bí thư chi bộ riêng, trưởng ấp riêng nữa. Trước đây, nhiều trưởng ấp không là đảng viên nên không sinh hoạt chi bộ. Đó cũng là lý do khiến đảng ủy không thể nắm được những việc làm của các anh em tại địa phương để góp ý, sửa chữa kịp thời. Thực tế, những vụ việc vi phạm xây dựng thời gian qua đã có những trường hợp chính trưởng ấp cũng vi phạm.
“Nội bộ chúng tôi vẫn rất đoàn kết”
. Được biết TAND huyện Bình Chánh đang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ một trưởng ấp tại xã Vĩnh Lộc A liên quan đến xây dựng không phép?
+ Đúng vậy. Dự kiến tòa sẽ xét xử trong tháng 3.
. Sau khi Ban thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23 và UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị này thì tình trạng vi phạm xây dựng trên địa bàn huyện có còn không, thưa ông?
+ Theo đánh giá của cá nhân tôi thì tình hình vi phạm xây dựng có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Điều này thể hiện ở số lượng vi phạm có giảm so với trước đây. Tin nhắn gửi đến cho cá nhân tôi cũng ít hơn hẳn. Tuy nhiên, nói hết hẳn chưa thì chắc chắn là chưa hết.
. Thưa ông, dư luận cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình hình vi phạm xây dựng ở Bình Chánh khó kiểm soát, phức tạp là do nội bộ huyện không đoàn kết?
+ Họ nói thế thôi chứ tôi thấy nội bộ vẫn rất đoàn kết, dân chủ, tập trung. 12 đồng chí trong thường vụ họp hành rất dân chủ, đoàn kết, không có biểu hiện gì chia rẽ nội bộ cả.
. Xin cám ơn ông.
Cán bộ bốn xã nóng liên tiếp dính kỷ luật Năm 2013: • Cảnh cáo các ông: Thiều Văn Se, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B; Phan Bửu Thọ, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B; Nguyễn Viết Lân, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B; Trần Văn Cần, Chủ tịch xã Bình Hưng; Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó Chủ tịch xã Bình Hưng. • Khiển trách các ông: Nguyễn Văn Phó, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tân Kiên; Trần Quốc Quay, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A. Giai đoạn 2016-2019: • Cảnh cáo các ông: Trần Quang Sang, Bí thư xã Vĩnh Lộc A; Trần Quốc Quay, nguyên Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A (nay là chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Bình Chánh); Trần Thế Vinh, nguyên Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A. • Khiển trách các ông/bà: Phan Thanh Nhã, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A; Phan Thị Bích Liễu, nguyên Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A; Thái Văn Tám, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B. Bốn lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A từng xin nghỉ việc/chuyển công tác gồm: Trần Quang Sang, Bí thư (đã nghỉ việc năm 2019); Trần Thế Vinh, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị (đã nghỉ việc năm 2018); Phan Bửu Thọ, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị (đã nghỉ việc năm 2013); Nguyễn Thành Toại, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị (đang xin chuyển công tác). |