Ra, vào TP.HCM phải xét nghiệm COVID-19

Ngày 5-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai các giải pháp về phòng chống dịch.

TP.HCM huy động tổng lực test nhanh COVID-19, tầm soát rộng
để truy vết nhanh F0. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phân cấp, giao quyền để phát huy trách nhiệm

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sau cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì hôm 4-7, TP.HCM đã củng cố, kết nối thông tin, dữ liệu dịch bệnh với trung ương để phân tích, đánh giá diễn biến dịch sát thực tế.

Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công mỗi ủy viên thường vụ cùng phụ trách, chia sẻ với các quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình phối hợp với các địa phương lân cận để kiểm soát người qua lại và bảo đảm lưu thông hàng hóa. Việc phân cấp, giao quyền cũng đã được phân định rạch ròi để phát huy trách nhiệm của từng quận, huyện.

Đặc biệt, TP đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu. Tất cả bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, ngăn chặn lây lan dịch.

Theo ông Nên, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 trong thời gian ngắn nhất. Ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0 phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.

Cùng với đó, TP.HCM cũng tăng cường quản lý giám sát phòng chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.

 

Kết quả xét nghiệm như giấy thông hành

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Công điện 973 của Bộ Y tế yêu cầu người điều khiển phương tiện đến/đi ra từ khu vực phong tỏa, ổ dịch thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên hai lần vào thời điểm trước khi đi và khi quay trở lại, cần có sự đồng bộ khi thực hiện quy định này.

Khi xem xét cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để sử dụng như giấy thông hành đi lại thì Bộ Y tế, Bộ GTVT cần chỉ đạo các tỉnh, thành cùng thực hiện công điện này.

Phải kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra vào vùng dịch.

Theo ông, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt Bộ Y tế phải cập nhật, công bố trên trang thông tin điện tử của bộ danh sách các quận, huyện, tỉnh, thành là vùng dịch.

Đối với TP.HCM, theo Phó Thủ tướng, thống nhất quan điểm là sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM nhưng hàng hóa phải được lưu thông, không bị ách tắc.

Do vậy, cùng với việc tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10, TP.HCM phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP. Những người thật cần thiết phải ra vào TP thì phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo công điện của Bộ Y tế.

TP.HCM phải triển khai thật nhanh các hệ thống kiểm soát người ra vào để giám sát được kết quả xét nghiệm của người đến hoặc đi khỏi TP thông qua quét mã QR. “Trong quá trình chuẩn bị, nếu có quyết định gì mới liên quan đến lĩnh vực giao thông và việc đi lại của người dân, TP cần thông báo trước ít nhất 24 giờ cho người dân” - ông Đam nói.

Cấp giấy chứng nhận xét nghiệm bằng mã QR

Về công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng, từ đó phát hiện nhanh ca nhiễm.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết” - ông Đam nói.

Theo ông Đam, những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra vào vùng dịch. Trong vòng 24 giờ tới, hai cơ quan này phải khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào mã QR cá nhân.•

 

Giãn cách, phong tỏa cần phù hợp với thực tế

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc thực hiện giãn cách, phong tỏa cần phù hợp với tình hình thực tế và phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân.

Ông Sơn đề nghị TP.HCM khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các khâu như khai báo y tế, kiểm soát, xét nghiệm, tiêm chủng...

Cùng với đó, tăng cường truyền thông để người dân nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch bệnh và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Về test nhanh kháng nguyên, ông Sơn cho rằng năng lực của TP.HCM có thể đạt được 150.000-200.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, ngành y tế địa phương cần cân nhắc, xác định rõ trường hợp nào, khu vực nào sử dụng test nhanh, PCR mẫu gộp hoặc PCR mẫu đơn để đạt hiệu quả cao trong truy tìm F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới