Tại chương trình tái chế chất thải do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức gần đây, ở một góc nhỏ, người ta thấy những tờ bưu thiếp được đặt ngay ngắn trên bàn. “Làm rác thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều nguồn thải ảnh hưởng tới sức khỏe như xác súc vật, kim loại rỉ sét, miểng chai, kim tiêm chích. Bởi người gom rác có thu nhập ít ỏi, họ kiếm được thêm bằng cách lượm ve chai và vô tình trúng phải những vật nguy hiểm, mà nguy hiểm nhất là tiêm chích cũng như bệnh ngoài da cùng vô vàn bệnh truyền nhiễm khác mà người làm rác có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn người thường”. Đây chính là lời tâm sự của anh Trịnh Văn Du - người thu gom rác dân lập (NTGRDL) ở quận Bình Thạnh tại triển lãm Rác: Sống & Yêu thuộc dự án Giới và Phát triển bền vững tại TP.HCM do Tổ chức Hành động và Phát triển vì môi trường Việt Nam (ENDA Vietnam) phối hợp cùng Mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Hỗ trợ và Phát triển Pháp.
Mùi rác ám theo mùi đời
Trong những con hẻm nhỏ, những chiếc ba gác đi gom rác đã trở thành hình ảnh thân thuộc với chúng ta. Có lẽ thu gom rác là một trong những nghề mà nhiều người dành cho nó bằng những lời chua chát: Nghề tận cùng dưới đáy xã hội. Ấy thế, họ - những người có đóng góp rất lớn cho xã hội - lại lấy đó làm kế sinh nhai, làm chỗ dựa để gánh vác cho gia đình, nuôi dạy những đứa con trưởng thành.
Những tấm bưu thiếp đơn sơ mang theo biết bao nỗi khó khăn vất vả của những NTGRDL. Ảnh: NGỌC CHÂU
Cô Quỳnh Nga (quận 10) nói: “Sài Gòn ít có mưa mà khi có mưa thì những cái rác này cực lắm. Rác thì lầy lội, còn người thì ướt, mặc bộ đồ ướt chèm nhẹp. Áo mưa mặc vô cũng hầm, cũng rít… Mưa thấm xuống xe rác, nặng đi không nổi luôn. Không gì sướng bằng những tháng nắng, tháng nắng là mình phẻ, cực thiệt nhưng mà nó phẻ. Trời nắng đi làm bình thường chứ trời mưa thì ròng rã lắm, mưa dầm mưa dề giông gió phải chịu trận…”.
Chia sẻ tấm ảnh của mình, anh Nguyễn Minh Phương (quận 4) tâm sự: “Nói thật mình làm cái nghề này mười mấy năm rồi mà nhiều lúc mình cũng còn thấy rác rất hôi nữa huống chi những người đi đường. Những người có ý thức, họ hiểu thì họ nói nhỏ nhẹ, lịch sự. Chứ còn nhiều người họ kỳ thị rõ rệt luôn, gặp xe mình đi lấy rác là họ đuổi đi và không cho để”.
Ở hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Kim Còn (quận 6) nói công việc cực nhọc nên chị cũng tiết kiệm, dè sẻn. Tuy thế có hai điều chị không hà tiện, một là ăn uống, ăn cơm thì phải có thịt, có cá để có sức làm việc; hai là vì đứa con thơ. Chị ngậm ngùi: “Đời mẹ sống khổ rồi thì phải nuôi nó đầy đủ. Tiền sữa, tiền học của nó nhiều lắm nhưng phải cố chứ biết làm sao. Sữa trước kia phải mua một lần là cả thùng chứ không phải chơi, nó lại uống sữa thay ăn. Bây giờ không đủ tiền nên ra mua lắt nhắt vài bịch sữa, tập đút cho nó ăn cháo, nhai cơm… Có khi thiếu tiền thì mắc nợ mẹ tui, nợ chồng nợ bây giờ cũng 2 triệu đồng rồi mà chưa có tiền trả”.
Lòng người ấm áp
Mỗi nhà mỗi cảnh, khó khăn, vất vả trăm bề nhưng vấn đề là họ biết làm thế nào để bản thân mình dung hòa với trạng thái vui tươi. Đấy là phương châm rất đơn giản mà những NTGRDL luôn lấy làm động lực sống cho mình. Tham gia dự án, chị Nguyễn Thị Đi (Gò Vấp) chia sẻ: “Đi làm thì thấy có nhiều cái vui. Người thì cho nước uống, người thì cho bánh mì, bánh chưng, chào hỏi ân cần… Tôi thấy tự an ủi mình, vì nhìn xuống biết bao hoàn cảnh còn khổ hơn. Cái nghề này tuy cực khổ nhưng khi xong một ngày về nhà lại thấy vui”. Còn cô Nga lại nói: “Tui thì vui lắm, kể nghe, đi mần cái anh em chỗ làm rác bảo “Sao tui hông thấy bả buồn?”. Con người ta có số hết rồi, mình phải vui vẻ lên cho cuộc sống có phấn khởi chứ mình cứ buồn u sầu hoài đâm ra bệnh mà nó không có đi tới đâu. Vui tốt hơn, tui đây vui nhiều hơn buồn, tối ngày tui cười hoài à. Đi tới đâu tui cũng giỡn với người ta hết trơn á”.
Cuộc sống chẳng ai biết tương lai sẽ ra sao, sẽ đi về đâu nhưng chắc chắn rằng nghị lực của các cô, các anh, các chị sẽ tiếp thêm tinh thần mạnh mẽ cho chúng ta. Và với họ, những người hằng ngày cần mẫn đóng góp sức mình vì TP sạch đẹp hơn, chúng ta còn nợ một lời cảm ơn.