Tại chợ Tam Dân (huyện Phú Ninh), rác thải chất thành đống phía sau chợ, rác để nhiều ngày dưới trời mưa, bốc mùi hôi thối.
Ông Trần Văn Cảnh, người bán hàng ở chợ Tam Dân, cho biết nhiều ngày qua xe môi trường không đến thu gom rác. Trong khi đó người dân, tiểu thương, nhiều hộ giết mổ gia cầm vứt rác, nội tạng gia cầm ra đường khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tương tự, tại huyện Tiên Phước, hàng chục điểm tập kết rác thải tự phát xuất hiện hai bên đường. Theo ông Phan Minh Huynh (xã Tiên Thọ), khu vực trước nhà ông vô tình trở thành khu tập kết rác bất đắc dĩ vì hai tuần qua xe rác không đến thu gom.
Rác ứ đọng phía sau chợ Tiên Kỳ. Ảnh: THANH NHẬT
Tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), rác cũng được tập kết phía sau các chợ, dọc đường các khu dân cư. Chính quyền phải vận động người dân tự xử lý rác bởi ở Quảng Nam đang có dịch sốt xuất huyết rất nguy hiểm. “Địa phương đã nhiều lần họp để thông báo tình trạng cấp bách và yêu cầu người dân chủ động phân loại rác. Với những loại rác có thể tự tiêu hủy như lá cây, giấy thì người dân tự tiêu hủy. Đối với rác khó phân hủy thì gom lại để xe thu gom rác của xã chở đến khu xa dân cư. Chúng tôi mong muốn sớm khắc phục tình trạng ùn ứ rác để đảm bảo đời sống của người dân” - bà Lê Thị Bích Lài (thị trấn Tiên Kỳ) nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP MTĐT Quảng Nam, cho biết đơn vị đã thu gom rác trên 10 huyện, TP, thị xã trên toàn tỉnh. Lượng rác mỗi ngày khoảng 1.000 tấn nhưng đơn vị chỉ thu gom được khoảng 400 tấn, số còn lại phải chấp nhận tồn đọng ở các địa phương. Ông Ngọ cũng cho hay hiện đơn vị tập trung thu gom rác ở nội thành TP Tam Kỳ, huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn chở đến khu xử lý rác xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Đối với các địa phương khác, sắp tới công ty sẽ phối hợp với các đơn vị của tỉnh tiếp tục đối thoại với người dân tại hai khu xử lý rác để giải quyết dứt điểm tình trạng rác ứ đọng.
“Nhiều ngày qua xe rác của công ty không đến được các huyện là do gặp sự cố tại khu xử lý rác xã Tam Xuân 2, chính quyền và công ty đang tập trung giải quyết. Khi nào khu xử lý rác Tam Xuân 2 hoạt động lại thì các địa phương sẽ dần dần ổn định trở lại” - ông Ngọ nói.
Trước tình trạng rác thải ứ đọng, ngày 26-8, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, TP đề nghị nghiên cứu giải pháp quản lý, hạn chế mức thấp nhất các tác động đến môi trường trong thời gian chờ xử lý sự cố.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đối với việc triển khai lò đốt rác xã Đại Nghĩa, mong nhân dân ủng hộ để sớm ổn định tình hình. Đối với khu xử lý rác Tam Xuân 2, Công ty CP MTĐT phải khắc phục sự cố và chôn lấp theo kế hoạch. Nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng môi trường vì mùa mưa đến gần và cũng tăng áp lực cho khu xử lý rác Tam Nghĩa. “Sở TN&MT đã gửi văn bản đến các địa phương đề nghị tạm thời sử dụng các trạm trung chuyển để tập kết rác. Có giải pháp rào chắn, bao che cách ly, không phát tán ra bên ngoài. Công ty CP MTĐT hỗ trợ địa phương chế phẩm, hóa chất xử lý khử mùi” - ông Thanh nói.