Tây cũng chẳng rảnh rang xây cầu Ba Cẳng chỉ để cho dân leo lên để ngắm nếu dưới cái cầu này không có con rạch gọi là rạch Hàng Bàng dài 1.400 thước tây. Hồi đó, người đến đâu thì trồng cây đến đó. Dọc hai bờ rạch này, dân địa phương trồng cây bàng nên gọi là Hàng Bàng. Bây giờ, để nhớ lại dư âm xưa, người nhiều chữ nghĩa thường dùng chữ “trên bến dưới thuyền” để diễn tả cảnh những con thuyền từ dưới miền Tây lên rạch Lò Gốm, vào Chợ Lớn rồi tìm được bến đậu tại đây - con đường thủy thông thương hàng hóa từ lục tỉnh Nam kỳ mang lên cho người Sài Gòn-Chợ Lớn tiêu dùng. Con đường này mà tắc tị thì chẳng có trái cây, gạo, muối để người Sài Gòn tẩm bổ con tỳ con vị.
Từ bờ này sang bờ kia con rạch, nếu ta muốn đi bộ thì ngoài cây cầu Ba Cẳng còn có cầu Palikao (phiên âm của Pháp ngữ, tên tiếng Hán là Bát Lý Kiều). Rồi đi ngược lên mạn Lò Gốm là cầu Chợ Lớn (Bình Tây), cầu Bình Tiên (quận 6) mà ngày nào tôi cũng đạp xe đi học ngày hai buổi. Cách đây chưa lâu lắm, tạm gọi là cái thời mưa có gây ngập thì chẳng lụt như bây giờ, quan chức thấy dân đi qua cầu sao mà tội nghiệp quá thể bèn hạ lệnh “lấp kênh Hàng Bàng”. Hàng hàng lớp lớp công nhân, máy móc và tiền của được huy động để “con kênh ta đè cho hết nước chảy qua”. Biến mất theo dòng kênh là những cây cầu Ba Cẳng, Bình Tây, Bình Tiên… Rồi dọc theo hai con đường ven kênh Hàng Bàng là những ngôi nhà mới. Riêng đoạn giữa của kênh (từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài hơn 600 m) đã bị lấp đặt cống hộp năm 1999-2000.
Khi lấp rạch, đập cầu, làm cống hộp, người ta quên béng chuyện ngập nước khi Chợ Lớn-Sài Gòn xưa vốn là một thành phố nhiều kênh rạch, ao hồ để thuận tiện cho việc giao thương từ rạch Bến Nghé xuống các tỉnh miền Tây, vừa là chỗ thu nước tràn khi mưa lớn, triều cường.
Buổi chiều qua, đứng ngay đoạn cuối dòng kênh Hàng Bàng mới được đào lại ở đường Gò Công mà mắc cười. Thành phố ta quá hưỡn, quá nhiều tiền để lấp kênh Hàng Bàng và bây giờ đang tốn tiếp ngân sách để… đào lại kênh Hàng Bàng - công trình “hai thế kỷ”: lấp và đào!