Radar quân sự, đặt tại thành phố Surat Thani ở miền nam Thái Lan, đã phát hiện một máy bay chở khách vốn chuyển hướng và đi qua thành phố cảng Butterworth tại Malaysia, Tư lệnh không quân Thái Lan Prajin Juntong ngày 18/3 cho biết.
Máy bay có thể đã bay về hướng Eo biển Malacca, ông Juntong cho hay, nhưng nói thêm rằng vẫn chưa biết đó có phải là chuyến bay MH370 hay không.
Chuyến bay MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 12h41 sáng sớm ngày 8/3 giờ địa phương để đi Bắc Kinh và hệ thống nhận và phát tín hiệu trên máy bay đã bị ngừng lúc 1h20 sáng cùng ngày.
Phát ngôn viên không quân Thái Lan, ông Montol Suchookorn, cho biết vào lúc 1h28 ngày 8/3, radar quân sự Thái "đã phát hiện một tín hiệu không bình thường của một máy bay bay theo hướng ngược lại với chuyến bay MH370", hướng trở lại Kuala Lumpur. Máy bay sau đó rẽ phải về phía Butterworth, một thành phố của Malaysia dọc Eo biển Malacca. Tín hiệu radar không liên tục và không chứa bất kỳ dữ liệu nào như số hiệu chuyến bay.
Ông Suchookorn nói thêm, ông không biết chính xác radar quân sự Thái phát hiện máy bay lần cuối cùng là khi nào. Trong khi đó, giới chức Malaysia cho biết radar quân sự của họ phát hiện MH370 lần cuối cùng là lúc 2h40 sáng 8/3.
Việc Thái Lan chia sẻ dữ liệu radar quá muộn, 10 ngày sau khi MH370 mất tích, có thể không thay đổi nhiều về những điều mà giới chức Malaysia đã biết, nhưng lại đặt ra các nghi vấn về mức độ chia sẻ thông tin quân sự của các quốc gia trong một trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Malaysia đã phải mất một tuần mới xác định được rằng MH370 đã bay qua Eo biển Malacca, một thông tin quan trọng dẫn tới việc thay đổi chiến lược tìm kiếm.
Khi được hỏi rằng tại sao Thái Lan lại mất quá nhiều thời gian để công bố thông tin trên, ông Montol cho biết: "Vì chúng tôi không để ý tới nó. Không quân Thái Lan chỉ theo dõi các mối đe dọa đối với đất nước, vì vậy bất kỳ điều gì không gây ra mối đe dọa đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ xem xét chúng mà không hành động".
Cũng theo ông Montol, chiếc máy bay lạ không đi vào không phận Thái Lan, và rằng nước này không chia sẻ thông tin với Malaysia sớm hơn vì yêu cầu ban đầu của phía Malaysia không rõ ràng.
"Khi họ hỏi lại chúng tôi và có các thông tin mới do Thủ tướng Malaysia Najib Razak cung cấp, chúng tôi mới xem lại thông tin của chúng tôi. Thái Lan không mất nhiều thời gian để tìm ra điều đó, mặc dù một số chuyên gia cũng phải vào cuộc", ông Montol nói.
Trung Quốc triển khai 21 vệ tinh tìm máy bay Malaysia
Trung Quốc đã triển khai 21 vệ tinh để rà soát lãnh thổ nước này nhằm tìm kiếm một máy bay mất tích của Malaysia, trong khi Úc thu hẹp đáng kể phạm vi tìm kiếm nhưng vẫn rà soát trên một vùng biển rộng 600.000 km2.
Kể từ ngày 18/3, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia trên lãnh thổ nước này, vốn nằm trên hành lang tìm kiếm phía bắc của máy bay. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong một cuộc họp báo hôm qua rằng 21 vệ tinh đã được triển khai để tìm kiếm MH370.
"Theo yêu cầu của Malaysia, chúng tôi đã huy động các vệ tinh và radar để tìm kiếm trên vùng lãnh thổ Trung Quốc thuộc hành lang phía bắc mà Malaysia nói là MH370 có thể đã bay qua", ông Hồng Lỗi nói.
Úc, quốc gia hiện đang đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm ở hành lang phía nam, cho biết đã giảm quy mô tìm kiếm dựa vào dữ liệu theo dõi vệ tinh cũng như các cuộc phân tích thời tiết và dòng chảy, nhưng vẫn rà soát trên một khu vực rộng 600.000 km2.
"Máy bay có thể đi theo hướng bắc hoặc hướng nam, và nếu nó bay về hướng nam, đây là ước lượng vùng tìm kiếm tốt nhất của Cơ quan an toàn hàng hải Úc (AMSA) mà chúng tôi nên rà soát với rất ít các thông tin cho một chiến dịch như vậy", ông John Young, tổng giám đốc Bộ phận đối phó khẩn cấp của AMSA, cho biết.
Hải quân Mỹ đang điều một máy bay P-8A Poseidon, một máy bay trinh sát hàng hải hiện đại nhất, tới thành phố Perth ở tây Úc để trợ giúp cuộc tìm kiếm MH370.
Malaysia ngày 18/3 cho biết đã tham khảo với các bộ trưởng Mỹ và Trung Quốc về cuộc tìm kiếm MH370, một chiến dịch lớn chưa từng có với sự tham gia của 26 quốc gia giờ đây trải rộng khắp châu Á từ biển Caspi tới nam Ấn Độ Dương.
Các nhân viên điều tra tin rằng ai đó rất hiểu biết về dòng máy bay Boeing 777-200 và có kinh nghiệm lái máy bay thương mại đã chuyển hướng MH370 có thể đi xa hàng nghìn km so với lộ trình ban đầu từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các nguồn tin phương Tây và giới chức Trung Quốc cho hay các cuộc kiểm tra về lý lịch của tất cả mọi người trên chuyến bay cho tới nay vẫn chưa tìm thấy bất kỳ động cơ chính trị hay tội phạm nào nhằm cướp hoặc phá hủy phi cơ.
Trung Quốc cho biết không có bằng chứng cho thấy 153 hành khách Trung Quốc trên chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines có liên quan tới hành động không tặc hoặc khủng bố.
Các nguồn tin an ninh Mỹ và EU cũng cho hay, các nỗ lực của nhiều chính phủ nhằm điều tra lý lịch của tất cả mọi người trên máy bay vẫn không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào với các nhóm phiến quân hoặc điều gì khác có thể lý giải vụ mất tích bí ẩn của MH370.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu tại Kuala Lumpur, việc rà soát các thông tin của hành khách cũng không phát hiện điều gì.
Một nguồn tin biết rõ về các cuộc điều tra của Mỹ cho hay các phi công giờ đây đang bị điều tra vì hiểu biết kỹ thuật là cần thiết để có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc của máy bay.
Giới chức Malaysia hồi đầu tuần cho hay khả năng cơ trưởng hoặc phi công phụ tự sát cũng đang được điều tra.
Theo An Bình (Dân Trí / AP, ST)