Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, là những chiếc răng mọc cuối cùng trên cung hàm và thường mọc ở thời điểm sau 18 tuổi, khi con người khôn lớn, trưởng thành.
Đối với nhiều người, việc mọc răng khôn là nỗi ám ảnh. Khi răng khôn mọc lệch gây đau đớn, viêm nhiễm, hành sốt, khó há miệng, thậm chí không há miệng được...
Hiện có nhiều luồng quan điểm khác nhau về việc nhổ răng khôn như có nên nhổ hết răng khôn để tránh biến chứng vừa nêu hay không?
Giải thích về vấn đề này, TS-BS Võ Văn Nhân, báo cáo viên quốc tế tại các hội nghị implant nha khoa, cho hay răng khôn là răng số 8 mọc sau cùng trên cung hàm nên thông thường sẽ không đủ chỗ. Do đó, gây ra hiện tượng răng khôn thường mọc nghiêng, mọc lệch gây đau đớn và viêm nhiễm, khó há miệng, gây nhồi nhét thức ăn, gây sâu răng kế cận răng khôn, chấn thương khớp cắn lâu ngày có thể gây nên bệnh lý khớp thái dương hàm... Đối với những trường hợp này, răng khôn cần phải được xử lý để tránh biến chứng.
BS Võ Văn Nhân chia sẻ về những biến chứng của răng khôn. Ảnh: HL
Ngoài ra, đối với những trẻ đang chỉnh hình răng, răng khôn mọc lên có thể gây xô lệch các răng đã chỉnh hình trước đó, do đó phải có kế hoạch nhổ răng khôn.
Tuy nhiên, theo BS Nhân, vẫn có nhiều bệnh nhân có cung hàm rộng thì sẽ đủ chỗ cho răng khôn mọc mặc dù đây là răng mọc sau cùng trên cung hàm. Trong trường hợp này không cần thiết phải nhổ.
Răng khôn thường mọc lệch do cung hàm không đủ chỗ. Ảnh: Internet
Cũng theo BS Nhân, răng khôn mọc sau cùng, ở phần sau nhất của cung hàm nên chân răng thường nằm sát thần kinh hàm dưới. Việc nhổ răng không đúng cách có thể gây tổn thương thần kinh hàm dưới thậm chí thần kinh lưỡi. Do đó, việc nhổ răng cần do các bác sĩ có tay nghề thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ phương tiện. Một trong những phương tiện quan trọng nhất khi nhổ răng khôn là máy chụp CT cone beam 3D. Thông qua máy này, bác sĩ sẽ định vị dễ dàng vị trí của răng khôn theo không gian 3 chiều và thực hiện chuẩn xác các thao tác cắt xương, cắt răng, mổ lấy răng ra dễ dàng mà không làm tổn thương các dây dây thần kinh, mô nướu, mô xương.
Ngoài ra, một số phương tiện hiện đại khác như: máy cắt xương siêu âm và dao mổ laser giúp phẫu thuật nhẹ nhàng ít gây tổn thương cấu trúc vi thể của xương và mô nướu làm giảm chấn thương sau mổ. Kết quả bệnh nhân ít đau, ít sưng và nhanh lành thương hơn.