Trong một vụ án oan ở Tuy Hòa (Phú Yên), VKSND Tối cao từng có đến hai lần cho rằng VKSND cấp dưới không có lỗi sau cùng nên không phải bồi thường oan. Gần đây nhất, với hướng dẫn mới nhất từ cơ quan này những tưởng sự việc đã có điểm gút nhưng không, đây lại là một hướng dẫn chung chung, mơ hồ. Không rõ VKSND tỉnh Phú Yên sẽ thực hiện hướng dẫn này ra sao?
Đây là một vụ án mua bán trái phép chất ma túy tưởng bình thường nhưng lại thành phức tạp mà Pháp Luật TP.HCMtừng nhiều lần phản ánh. Qua tận sáu năm tố tụng thì sự thật nghiệt ngã mới được phơi bày khi bị cáo Nguyễn Hồng Ngọc Anh không phạm tội nhưng đã bị điều tra viên tự ý ghi thêm vào bản cung để buộc tội cho bằng được. Hậu quả là thân phận pháp lý của người bị oan bị đẩy tới đẩy lui hết từ cơ quan tố tụng này đến cơ quan tố tụng khác.
Cụ thể, bị can bị khởi tố vào giữa năm 2013 và bị xét xử hai lần. Phải đến giữa năm 2019, sau cả chục lần điều tra bổ sung do hồ sơ vụ án bị trả đi trả lại rất nhiều lần, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa mới ra quyết định đình chỉ điều tra, chính thức xác định bà Ngọc Anh bị oan.
Rất dễ nhận ra trong nhiều vụ án oan không chỉ có một, hai mà có cả ba cơ quan tố tụng cùng có lỗi gây oan, sai và vụ án “thêm thắt lời khai” hiếm có này cũng “dính” đến cả ba cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa.
Đối với Cơ quan CSĐT TP Tuy Hòa, lỗi khá nặng khi đã khởi tố sai, điều tra theo kiểu làm sai lệch hồ sơ vụ án và đề nghị truy tố oan. Đối với VKSND TP Tuy Hòa, lỗi không nhẹ khi đã nhiều lần đồng ý truy tố oan. Tương tự, TAND TP Tuy Hòa cũng mắc lỗi khi xử sơ thẩm đã kết tội không đúng (sau đó bị TAND tỉnh Phú Yên hủy án để điều tra lại).
Cần lưu ý là theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, dẫu cả ba cơ quan cùng có lỗi thì không phải cả ba phải cùng bồi thường thiệt hại. Thay vào đó, chỉ cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định buộc tội oan cuối cùng mới phải đứng ra giải quyết yêu cầu bồi thường.
Đến đây, cứ tưởng lấy luật này ra giải quyết là xong chuyện nhưng xui rủi vẫn bám tiếp bà Ngọc Anh. Lý do là các cơ quan cấp dưới và cấp cao không thống nhất được cơ quan buộc tội oan cuối cùng, dẫn đến những tranh cãi về phận sự bồi thường như thể pháp luật đang bị bỡn cợt ở chỗ ai muốn nói sao cũng được và lại không có trọng tài để phân xử đúng, sai!
Các cơ quan tố tụng ở Phú Yên và trung ương cùng Cục Bồi thường nhà nước và các chuyên gia pháp luật có quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan phải bồi thường oan cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh.
Trong vụ này, TAND TP Tuy Hòa cho rằng VKSND TP Tuy Hòa phải bồi thường. VKSND tỉnh Phú Yên hai lần liên tiếp khẳng định Cơ quan CSĐT TP Tuy Hòa phải bồi thường. Phía CSĐT TP Tuy Hòa thì không công khai có ý kiến.
Ở trung ương cũng mỗi người một ý. TAND Tối cao cho là VKSND TP Tuy Hòa phải bồi thường nhưng không nêu ra được căn cứ pháp lý nào. Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường Nhà nước) cũng có ý kiến tương tự là VKSND TP Tuy Hòa phải bồi thường. Gây chú ý nhất là lập luận của VKSND Tối cao. Viện này có hai lần đồng tình với VKSND tỉnh Phú Yên rằng Cơ quan CSĐT TP Tuy Hòa phải bồi thường.
Nhưng mới đây khi trả lời thỉnh thị của VKSND tỉnh Phú Yên, VKSND Tối cao (Vụ 7 - Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử) đã dẫn chiếu cùng lúc Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có nội dung xác định ba trường hợp cơ quan điều tra phải giải quyết bồi thường) và khoản 2 Điều 35 luật này (quy định một trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của VKS) để “đề nghị viện trưởng VKSND TP Phú Yên chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh theo đúng quy định của pháp luật”.
Với văn bản hướng dẫn này vẫn chưa xác định được cơ quan điều tra TP Tuy Hòa hay VKSND TP Tuy Hòa phải chịu trách nhiệm bồi thường? Hay cả hai cùng phải bồi thường? Nếu hiểu theo hướng cả hai cơ quan liên quan củng chịu trách nhiệm bồi thường trái với nguyên tắc chung “cơ quan làm oan sau cùng phải bồi thường cho người bị oan” được thể hiện xuyên suốt trong các điều luật có liên quan để trước giờ trong tất cả vụ oan đều chỉ có duy nhất một cơ quan tiến hành tố tụng (hoặc là cơ quan điều tra, hoặc là VKS, hoặc là tòa án) đứng ra bồi thường mà thôi.
Cần phải thấy vụ án ở TP Tuy Hòa không đơn giản do bị kéo dài ở nhiều vòng tố tụng và các điều luật hiện hành không đủ chi tiết để các cơ quan dễ dàng có tiếng nói chung, tránh được việc áp dụng luật cắt khúc. Chính vì thế, cách khắc phục tốt nhất vẫn là các cơ quan chức năng ở Phú Yên và ở cấp trung ương cần ngồi lại để phải có bằng được câu trả lời ổn thỏa hơn cả, chấm dứt những chỉ đạo bất nhất, không phù hợp, gây thêm nỗi hoang mang về cách hiểu và áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.