Rồng Việt Nam - gần gũi đến bất ngờ

Từ linh thiêng...

Con rồng xuất hiện rất sớm trong đời sống và văn hóa Việt Nam. Vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, tổ tiên ta từ miền núi, trung du xuống đồng bằng khai hoang lấn biển, sống nơi sông nước. Hằng ngày, họ phải đối mặt với cá sấu, giao long, thuồng luồng, một sức mạnh thiên nhiên ác nghiệt. Bộ cổ sử Hậu Hán thư chép rằng người Việt xưa “có tục xăm mình hình rồng để tránh giao long làm hại”. Họ vất vả đối phó, sợ hãi đến mức phải tôn thờ chúng.

Rồng Việt Nam - gần gũi đến bất ngờ ảnh 1

Thuyền rồng đưa du khách đi nghe ca Huế và thả hoa đăng trên sông Hương (TP Huế). Ảnh: TH.C

Về sau, sức mạnh thiên nhiên mang dáng bò sát kia dần chắp cánh cho khát vọng của nhân dân về mưa thuận gió hòa, an toàn, vui vẻ, may mắn, hạnh phúc. Từ đó, hình tượng rồng nhanh chóng phổ biến, in sâu vào tâm thức văn hóa con người. Rồng hội tụ đủ yếu tố cơ bản của các lớp động vật: đầu của thú, thân của bò sát, chân của chim, vây của cá... Rồng ở cả trên trời lẫn dưới nước, bay lượn, ẩn hiện trong không gian. Rồng có thể phun mưa, khạc lửa, gây gió bão, tạo sấm chớp cùng nhiều khả năng màu nhiệm khác. Siêu toàn và nhất nguyên, rồng biểu trưng đồng thời cho cả vũ trụ lẫn nhân thế, cả âm lẫn dương, dung hòa và tổng hợp những thái cực đối lập.

Rồng đứng đầu tứ linh - bốn con vật thiêng cao quý nhất: long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng). Các vĩ nhân, thần thánh, anh hùng... thường được ví sánh với rồng. Vua, người đứng đầu xã hội thời xưa, cũng được coi là rồng với: thân hình vua gọi là long thể (mình rồng), bước vua đi gọi là long bộ (bước rồng), cửa cung điện nơi vua ngự gọi là long môn (cửa rồng)...

Rồng Việt Nam - gần gũi đến bất ngờ ảnh 2

Áo dài “Rồng Việt” của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ. Ảnh: NGUYỄN LONG

Đến gần gũi bất ngờ

Là con vật huyền thoại có nhiều phép màu kỳ diệu, rồng trở thành đề tài trung tâm của nhiều truyền thuyết, truyện kể, sự tích độc đáo. Nổi tiếng nhất là truyền thuyết Lạc Long Quân nói về nguồn gốc dân tộc ta. Ông tổ của người Việt là Lạc Long Quân (cha Rồng) lấy bà Âu Cơ (mẹ Tiên), đẻ ra bọc 100 trứng, nở thành 100 con, một nửa theo cha xuống biển, nửa kia theo mẹ lên rừng, xây dựng cơ sở, mở mang bờ cõi... dần hình thành nên cộng đồng. Chúng ta vẫn tự hào coi mình thuộc “dòng giống tiên rồng”, “con rồng cháu tiên” là vì thế.

Rồng nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Thìn - một chi quan trọng với những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Thìn kéo dài từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Tháng con rồng là tháng Ba âm lịch, cuối xuân, cây cối tươi tốt nhất, con người cũng sung mãn nhất và tương quan trời đất đạt đến độ hài hòa tối đa. Vì vậy, quan niệm tín ngưỡng cho rằng người tuổi Thìn thường oai phong, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.

Rồng Việt Nam - gần gũi đến bất ngờ ảnh 3

Học sinh mẫu giáo với trò chơi “rồng rắn lên mây”. Ảnh: HOÀNG CÔNG DỤNG

Hình tượng rồng trở nên sống động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Trẻ em ta thuở xưa đến tận bây giờ còn thích thú chơi trò “rồng rắn lên mây” vui nhộn. Thanh niên nhiều nơi thì tổ chức trình diễn múa rồng bay, rồng lộn như một hình thức sinh hoạt văn hóa thể thao khỏe khoắn, đồng thời tạo nhịp cầu giao lưu, kết bạn, kết duyên. Các lễ hội dân gian trên khắp mọi miền đất nước thường rất tưng bừng, náo nhiệt bởi những cuộc đua thuyền rồng, múa rồng, rước rồng...

Lãnh thổ quốc gia cong cong hình chữ S, hình thế uốn lượn tựa dáng rồng. Có lẽ vì thế mà ngày xưa người nước ngoài hay gọi nước ta là Long quốc, tức nước Rồng. Thời nay, hình tượng con rồng vẫn tiếp tục hiện diện rất mực gần gũi và đầy tự hào trong sinh hoạt thường ngày, trong tâm thức văn hóa của cả dân tộc.

Những địa danh mang tên rồng

Cả nước ta có gần 700 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì có tới hàng chục đơn vị mang tên rồng như: quận Long Biên (Hà Nội); TP Hạ Long (Quảng Ninh), Long Xuyên (An Giang); thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Bình Long và Phước Long (Bình Phước); huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Khắp lãnh thổ Việt Nam có hàng trăm ngọn, dãy, quần thể... đồi núi mang tên rồng. Từ Bắc vào Nam, ban đầu phải kể đến núi Long Tu (râu rồng) ở vùng Tiên Yên (Quảng Ninh). Hải Phòng nổi tiếng với bán đảo Đồ Sơn uốn lượn thành chín gờ nhô vào lòng biển, tựa hình dáng của con rồng chín khúc, nên còn gọi là Cửu Long Sơn (núi rồng chín khúc). Trong vùng đồng bằng sông Hồng, lâu đời và giàu ý nghĩa lịch sử nhất là khu đồi núi Long Đọi (gò rồng) ở Duy Tiên (Hà Nam).

Ninh Bình có núi Long Triều (sóng rồng). Xuôi vào Thanh Hóa, sẽ gặp dãy núi Hàm Rồng sừng sững toàn sa thạch, hùng vĩ trên hai bên bờ sông Mã. Vào đến Hà Tĩnh sẽ thấy hai núi rồng là Long Tường (bức tường rồng) và Long Mã Phụ Đồ. Quảng Bình có đỉnh núi cao xanh biếc, gọi là Thanh Long (rồng xanh). Tại huyện Minh Hóa của tỉnh này có ngọn núi ngộ nghĩnh như mũi rồng nên được đặt tên là Long Tỵ. Tới Thừa Thiên-Huế sẽ thấy dãy núi Kim Long (rồng vàng) vừa đẹp thơ mộng, vừa vững chãi như tường chắn cho kinh thành Huế...

Hạ Long (rồng đáp/hạ xuống) là vịnh và quần thể đảo lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam với tổng diện tích 1.553 km2, có 1.969 đảo lớn nhỏ (trong đó nhiều đảo mang tên rồng như Hòn Rồng, Tiên Long... Nơi đây từng hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Phía nam vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là đảo Cát Bà (Hải Phòng) với tên cổ là đảo Phù Long (rồng nổi). Gần đó là đảo Long Châu (viên ngọc rồng) ban đêm luôn có ngọn hải đăng sáng rực. Ngoài khơi xa, cách bờ biển Hải Phòng tới 135 km là huyện đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng).

Xuôi tiếp vào Nam, còn thấy một số vịnh và đảo mang tên rồng. Đảo Long Sơn (núi rồng) thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khá nổi tiếng với cây cối tươi tốt, đặc biệt có một rừng nứa xanh biếc được ví như con rồng xanh của thành phố Vũng Tàu.

VĂN HIẾN tổng hợp

ANH HÙNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm