Cách đây không lâu, BV đa khoa Đồng Nai cứu sống bệnh nhân LTHV (40 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) nghi ngờ bị thuyên tắc phổi do uống thuốc ngừa thai lâu ngày.
Tức ngực, khó thở, rong huyết
Chị V. được đưa vào BV đa khoa Đồng Nai trong tình trạng choáng, tức ngực, khó thở, mạch và huyết áp không đo được. Chưa hết, tay chân chị V. lạnh, đầu ngón tay và ngón chân tím tái… Kết quả chẩn đoán ghi nhận chị V. bị thuyên tắc phổi.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ (BS) nghi ngờ chị V. sử dụng thuốc tránh thai lâu ngày nên hệ thống máu rối loạn, máu chảy chậm và sệt khiến các cục máu đông lại và gây thuyên tắc phổi. Chị V. được các BS cho uống thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Đồng thời kết hợp dùng thuốc vận mạch để tăng huyết áp. Hôm sau sức khỏe chị V. ổn định, mạch và huyết áp bình thường.
Không chỉ có nguy cơ bị thuyên tắc phổi, những người uống thuốc ngừa thai không đúng hướng dẫn còn bị rong huyết.
Mới đây, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân VTTH (32 tuổi, ở TP.HCM) trong tình trạng rong huyết liên tục. Sau khi thăm khám, các BS chẩn đoán chị H. bị rong huyết.
Uống thuốc ngừa thai không đúng hướng dẫn dễ có nguy cơ rước bệnh vào thân. Ảnh: CTV
“Nguyên nhân chị H. bị rong huyết là do uống thuốc ngừa thai không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và lời dặn của BS. Thuốc ngừa thai phải uống liên tục mỗi ngày tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, chị H. đôi lúc quên uống trong ngày, hôm sau uống bù. Chị H. lại uống không theo giờ giấc nhất định nên đã bị rong huyết” - ThS-BS Phạm Thị Thu Hương, Trưởng khối Sản BV Nhân dân Gia Định, cho biết.
Theo ThS-BS Hương, rong huyết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe do thiếu máu, thiếu sắt. Thế nhưng BV Nhân dân Gia Định không ít lần tiếp nhận bệnh nhân bị rong huyết do uống thuốc ngừa thai tùy tiện. “Chưa hết, uống thuốc ngừa thai không đúng hướng dẫn sẽ khiến thuốc mất tác dụng, dễ dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn” - ThS-BS Hương cho biết thêm.
Không phải ai cũng được uống thuốc ngừa thai
BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông-Giáo dục Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết bản chất thuốc ngừa thai không gây ra những biến chứng nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, một khi người uống thuốc ngừa thai có tiền căn về các bệnh liên quan mạch máu thì thuốc sẽ là yếu tố thuận lợi có nguy cơ gây biến chứng thuyên tắc phổi. “Do đó rất cần tham khảo ý kiến BS chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc ngừa thai” - BS Yến lưu ý.
Theo BS Yến, thuốc ngừa thai có hai loại: Thuốc ngừa thai kết hợp (gồm Estrogen và Progestin) và thuốc ngừa thai đơn chất (chỉ có Progestin). “Hiệu quả thuốc ngừa thai kết hợp là 99%, thuốc ngừa thai đơn chất là 97%. Tuy nhiên, không phải ai muốn uống thuốc nào thì uống” - BS Yến nói.
BS Yến cho biết thêm thuốc ngừa thai kết hợp tuyệt đối không dành cho phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng sáu tuần sau sinh. Chưa hết, phụ nữ bị huyết áp cao, bệnh van tim, rối loạn đông máu, tiền sử tắc mạch máu, bệnh gan mật, tiểu đường cũng không được dùng thuốc này. “Không chỉ vậy, phụ nữ đang bị hoặc tiền sử ung thư vú, đau nửa đầu, ra máu âm đạo bất thường chưa rõ nguyên nhân, đang bị ban đỏ hệ thống, sắp phẫu thuật nằm trên một tuần… cũng không được dùng thuốc ngừa thai kết hợp để tránh xảy ra biến chứng” - BS Yến nói.
“Trong khi đó, thuốc ngừa thai đơn chất tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai và đang bị ung thư vú” - BS Yến lưu ý.
Uống thuốc ngừa thai đúng cách Bắt đầu uống vào ngày thứ năm của vòng kinh. Mỗi ngày uống một viên, vào một giờ nhất định. Uống liên tục 21 ngày hoặc 28 ngày (nếu vỉ thuốc có bảy viên placebo). Nếu quên uống một viên thì ngay sáng hôm sau uống viên thuốc bị bỏ quên ngay khi nhớ ra. Tối hôm đó vẫn tiếp tục uống một viên như thường lệ. Nếu quên uống hai viên thì ngừng uống, dùng phương pháp ngừa thai khác. ThS-BS PHẠM THỊ THU HƯƠNG, Trưởng khối Sản |