“Phụ nữ vốn dĩ một lòng lo chồng chăm con, không than thân trách phận cho dù vất vả, khó khăn. Trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ luôn làm tròn bổn phận người vợ. Điều đó thể hiện rõ nét trong phòng cấp cứu của bệnh viện” - BS Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trong ca trực đêm 10-9.
1. Cửa phòng cấp cứu bật mở, điều dưỡng đẩy nhanh vào trong băng ca có một ông độ 34 tuổi máu me đầy người. Một phụ nữ gương mặt tái mét hớt hơ hớt hải chạy theo sau, liên tục nói: “Bác sĩ ơi, cứu chồng em với!”.
Trong lúc bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu nạn nhân, người phụ nữ sụt sùi: “Tôi hẹn ảnh hết giờ làm việc nhớ về sớm để còn đi công chuyện. Thế nhưng ảnh gọi điện thoại bảo về nhà trễ vì có “độ” với đồng nghiệp trong cơ quan. Nghe ảnh nói vậy tôi tức cả người, lầm bầm vài câu rồi cúp máy”.
Người vợ đút chồng từng muỗng nước, hứng nước dãi của chồng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Người phụ nữ kể tiếp: “Đang ngồi xem truyền hình, điện thoại tôi reo vang. Thấy tên của ảnh hiện trên màn hình điện thoại, tôi không thèm nghe. Điện thoại reo tới lần thứ ba tôi mới nghe máy. Một giọng nói lạ hoắc, dồn dập khiến tôi linh tính có chuyện không hay. Khi nghe báo ảnh bị tai nạn giao thông (TNGT), tay chân tôi rụng rời, đứng không vững. Tôi liền ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ xảy ra tai nạn và khóc nấc khi thấy ảnh bất tỉnh, máu me đầy người”.
Trong lúc chờ kết quả chụp CT, người phụ nữ liên tục lau chùi những vết máu khô dính trên da thịt chồng, rồi lấy khăn nhúng nước ấm lau mình mẩy cho anh ta. Thỉnh thoảng chị bóp nhẹ bàn tay, bàn chân của chồng như muốn truyền hơi ấm. “Cũng tại rượu mà ra. Anh đừng bỏ mẹ con em nghe anh! Không có anh, mẹ con em không sống nổi. Cầu mong anh tai qua nạn khỏi, sớm tỉnh lại” - người phụ nữ nghẹn ngào, nước mắt chảy ròng.
2. Tiếng còi xe cứu thương hú từ xa và ngưng hẳn trước cửa khoa Cấp cứu. Một điều dưỡng chặc lưỡi: “Lại thêm ca TNGT khá nặng”.
Người đàn ông trên 30 tuổi nằm bất động trên băng ca được điều dưỡng đẩy thẳng vô phòng hồi sức cấp cứu. Một phụ nữ cũng chừng ấy tuổi quýnh quáng chạy theo sau, nước mắt đầm đìa.
“Trước khi đi làm, ảnh hứa chiều về sớm để đưa vợ con về bên ngoại. Tôi chờ mãi không thấy ảnh về, gọi điện thoại thì ảnh nói giọng lè nhè: “Mấy đứa bạn rủ nhậu nên anh quên rồi. Sáng mai anh chở em và con về ngoại sớm, chút nữa anh mới về”. Tôi nghe mà tức điên cả người” - người phụ nữ thút thít.
Lấy khăn lau nước mắt, chị kể tiếp: “Gần 10 giờ khuya, chuông điện thoại bàn reo vang. Người gọi đến hỏi địa chỉ, tên tuổi chồng tôi. Tôi xác nhận đúng, người này báo chồng tôi bị TNGT nặng. Người gọi điện thoại còn nói điện thoại di động chồng tôi bị mất, may có giấy tờ bên người nên mới truy được số điện thoại bàn. Không kịp thay áo, tôi ba chân bốn cẳng kêu xe tới ngay chỗ ảnh bị nạn”.
Bác sĩ báo người bị nạn qua cơn nguy kịch, chị thở phào và đi nhanh về phía người chồng có dấu hiệu tỉnh táo. Chị lau chùi vết máu trên gương mặt chồng, đút cho chồng từng ngụm nước, lấy thau hứng nước dãi của chồng… Chị nắm bàn tay trầy xước của chồng, vừa bóp nhẹ vừa nói nhỏ: “Đau lắm không anh? Em giận anh lắm nhưng thấy anh như vậy em thương và lo cho anh quá. Chỉ mong anh bỏ rượu giùm mẹ con em...”.
Công tác tại khoa Cấp cứu đã lâu, tôi chứng kiến nhiều hình ảnh người vợ chảy nước mắt bên ông chồng nằm mê man vì TNGT. Bia bọt với bạn bè đến nỗi quên lời hứa với vợ con. Thế nhưng khi chồng bị nạn, vợ chính là người lo lắng nhất và có mặt bên chồng từng giây, từng phút. Người chồng đau một vì vết thương hành hạ, người vợ lại khổ 10 vì trắng đêm chăm sóc, lại luôn nơm nớp sợ chồng mãi đi xa… BS ĐẶNG THỊ MỸ HIỀN, Phó Trưởng khoa Cấp cứu ___________________________________ 70% số vụ tai nạn có nguyên nhân do người lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ngoài các tổn thất về người, TNGT có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế khi mỗi ngày bay hơi 250 tỉ đồng và 2,9% GDP/năm. Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia |