Rút BHXH một lần: Chính phủ đưa 2 phương án

(PLO)- Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các phương án khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe và cho ý kiến về dự luật BHXH (sửa đổi). Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày dự luật.

Chính phủ đưa ra hai phương án

Vấn đề nóng có lẽ là về BHXH một lần. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình cho hay: Sau bảy năm thực hiện Luật BHXH 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.

Do đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi các quy định về rút BHXH một lần để khuyến khích người tham gia BHXH bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Các quy định được sửa đổi có thể kể đến như giảm thời gian hưởng lương hưu xuống còn 15 năm đóng BHXH hay các chính sách tín dụng trong thời gian mất việc.

Có hai phương án được Chính phủ trình cho việc rút BHXH một lần. Phương án 1 là phân nhóm gồm: Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Chính phủ đánh giá phương án này sẽ từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua nhưng vẫn có hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này dẫn đến số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Ảnh: PHẠM THẮNG

Phương án 2 Chính phủ trình là: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.

Tờ trình đánh giá phương án này đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài nhưng lại chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.

“Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cần đánh giá tác động kỹ hơn

Tham gia góp ý, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng: Có thể tính toán một phương án kết hợp cả hai phương án Chính phủ trình, vì mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm. Ông cũng nhấn mạnh rằng không lo vỡ Quỹ bảo hiểm vì tiêu chí đầu tiên trong quản lý quỹ này là phải “an toàn”.

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Xã hội cho rằng: Hai phương án của Chính phủ là chưa đủ, trong Ủy ban Xã hội có năm ý kiến khác nhau.

Có ý kiến chưa đồng tình cả hai phương án của Chính phủ. Bởi phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần; còn phương án 2 lại không hợp lý vì theo Bộ luật Lao động thì BHXH là tiền của người lao động, cho rút 50% là không hợp lý và Chính phủ cần giải thích về tỉ lệ 50% này.

“Mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Ý kiến của các cơ quan của QH, của Ủy ban Thường vụ QH cũng còn khác nhau. Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là quy định về BHXH một lần; tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các phương án khác.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc để nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần thiết bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý cho các trường hợp này.

“Để bảo đảm tính thống nhất về quan điểm chỉ đạo, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình QH cho ý kiến” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội trình bày báo cáo.

Về chi phí quản lý BHXH, Ủy ban Xã hội cho hay: Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với phương án “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH”.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng: Chi phí và mức chi quản lý BHXH phải thuyết minh kỹ vì chi phí này không phải chỉ là quản lý mà còn là đầu tư, phát triển. Trước đây, vấn đề này cũng đã giải trình nhiều lần nhưng dư luận không đồng ý do không giải trình rõ.

“Mức trích quỹ cũng là nội dung rất nhạy cảm. Thời tôi còn làm tổng Kiểm toán Nhà nước, khi không thông qua mức trích quỹ là QH vỗ tay. Bởi vậy cần làm rõ chi phí này dành cho tổ chức, hoạt động của quỹ này chứ không phải chi phí lấy từ ngân sách nhà nước ra” - Chủ tịch QH nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm